Những thuận lợi và khó khăn của hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm

Cập nhật ngày: 30/07/2012 16:07:36

Nhìn chung, việc cung cầu hàng hóa trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2012 ổn định, hàng hóa dồi dào, lưu thông thông suốt, nhiều về chủng loại và đa dạng về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, không diễn ra hiện tượng sốt hàng và tăng giá đột biến.


Ảnh minh họa

Giá cả hàng hóa tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã có nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá, hàng phục vụ Tết Nguyên đán và tổ chức các phiên hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp nhưng sức mua của người dân chưa được cải thiện, xu hướng tiêu dùng giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 48% kế hoạch năm.

Trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu tuy còn nhiều khó khăn, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 306 triệu USD bằng 90,53% so với cùng kỳ (không kể 130 triệu USD kim ngạch tái xuất xăng dầu qua Campuchia), trong đó mặt hàng chủ yếu là thủy sản đông lạnh xuất khẩu ước đạt 82.000 tấn, đạt kim ngạch 238 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 19,3%, giá trị tăng 20,2%.

Tình hình xuất khẩu thủy sản có khả quan, thị trường truyền thống vẫn tiếp tục được giữ vững và phát triển thêm 6 thị trường mới. Riêng thị trường Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có quyết định cuối cùng về việc áp mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê của Việt Nam giai đoạn 1-8-2009 đến 31-7-2010. Với quyết định này, thuế chống bán phá giá của các doanh nghiệp sẽ được giảm xuống từ 0 đến gần 1%. Riêng ở Đồng Tháp có Công ty CP Vĩnh Hoàn được hưởng thuế suất bằng 0% và QVD là 0,03 USD/kg.

Để phần nào giảm bớt khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp đã tăng cường tìm kiếm thị trường đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giảm hàng tồn kho, mặt khác doanh nghiệp sẽ tạo thêm được ngoại tệ để vay ngoại tệ của ngân hàng với lãi suất thấp hơn, do đó thủy sản xuất khẩu so với cùng kỳ đều tăng cả về lượng và giá trị. Đối với mặt hàng gạo, toàn tỉnh xuất khẩu ước đạt 130.000 tấn, kim ngạch đạt 61 triệu USD, so với cùng kỳ lượng bằng 75,38%, giá trị bằng 55,45% (giá trị đạt thấp hơn so với lượng là do cơ cấu gạo xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2012 chủ yếu xuất gạo 25% tấm).

Tình hình xuất khẩu gạo quý I gặp khó khăn do chịu sức ép cạnh tranh từ gạo phẩm cấp thấp của Ấn Độ và Pakistan nên hợp đồng tập trung và thương mại đều ký được rất ít. Qua quý II, thị trường gạo thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, các nhà nhập khẩu gạo thế giới đã quay lại nhập khẩu gạo Việt Nam, gạo Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu sang Philippines, Indonesia, Malaysia, các quốc gia châu Phi và đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đến nay Việt Nam đã ký được trên 4,2 triệu tấn gạo, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh trên 130.000 tấn, đồng thời cũng đã mở thêm được 1 thị trường mới.

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 352 triệu USD, bằng 89,14% so với cùng kỳ, trong đó xăng dầu 336 triệu USD.

Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, nhưng so với cả nước và trong vùng, các doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực duy trì sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh doanh nghiệp cả nước đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Các doanh nghiệp đã làm tốt việc phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và UBND các địa phương thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, mặc dù trong điều kiện hạn mức tín dụng thắt chặt, lĩnh vực công nghiệp cũng đã thu hút được 7 dự án (DA) đăng ký đầu tư, 4 DA khởi công xây dựng (giảm 1 DA so với cùng kỳ) và lĩnh vực thương mại 1 dự án (DA siêu thị Co.op Mart do Cty CP Đầu tư phát triển Sài gòn Co.op đầu tư tại TP.Cao Lãnh, dự kiến cuối năm 2012 khởi công xây dựng).

Thương mại nội địa hoạt động hiệu quả, lưu thông hàng hóa kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, thực hiện tốt các chương trình hàng Việt về nông thôn, hàng Việt về các khu công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ duy trì ở mức tăng khá cao. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện DA mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định, có thể nhân rộng trên địa bàn một số huyện của tỉnh. Công tác quản lý thị trường, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện 6 phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại của TW và Chỉ thị 22/2011/CT-UBND của UBND tỉnh về chống buôn lậu, chống hàng giang hàng giả, gian lận thương mại và kiểm soát giá.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại trong những tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế chủ yếu như: trong sản xuất chế biến, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; sản xuất của các ngành chủ lực đều chựng lại do thị trường, vốn vay, lãi suất cao (ngành chế biến gạo) hoặc do thiếu nguyên liệu, thiếu vốn, lãi suất cao (ngành chế biến thủy sản),... làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện một số chỉ tiêu của ngành; các DA đầu tư mới đều chậm tiến độ, nguồn lực mới do các sản phẩm mới mang lại không được bổ sung; hạ tầng thương mại không có sự chuyển biến đột phá, không có trung tâm thương mại đủ mạnh để thiết lập kênh lưu thông phân phối... Rút kinh nghiệm những khó khăn, thuận lợi, các doanh nghiệp trong tỉnh cùng các ngành, các cấp phấn đấu thực hiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2012.

Duy Tân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn