Tăng cường quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản và môi trường trên địa bàn tỉnh
Cập nhật ngày: 08/06/2012 07:10:54
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh gồm 3 loại: cát sông, đất sét và than bùn, trong đó cát sông là khoáng sản chính của tỉnh với tổng trữ lượng khoảng 360 triệu m3, nằm trên lòng sông Tiền (chiếm 90% trữ lượng) và sông Hậu. Sau khi đã trừ phần trữ lượng cát trong các vùng cấm và tạm cấm thì trữ lượng có thể trừ vào quy hoạch thăm dò, khai thác đến năm 2020 ước khoảng 148 triệu m3.
Từ năm 2005 đến nay, Đồng Tháp đã cấp hơn 80 giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản, đến nay chỉ còn 15 giấy phép khai thác được cấp cho 8 đơn vị còn hiệu lực cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Các hoạt động trên đều được phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương để cùng thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát, góp phần đưa hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp và có hiệu quả. Việc cấp giấy phép cơ bản đúng theo quy định hiện hành, góp phần lập lại trật tự trong hoạt động khoáng sản thời gian qua và đã giải quyết cơ bản việc cung cấp vật liệu phục vụ cho nhu cầu san lấp, xây dựng của tỉnh và các tỉnh lân cận. Các dự án khai thác cát sông đều thực hiện đúng các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lao động trong khai thác; các hồ sơ đăng ký khai thác đều có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường kết hợp lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường.
Tuy nhiên, một thực trạng vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh đó là tình trạng các cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện bơm hút cát trái phép, làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông. Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý loại hình khai thác này rất khó khăn trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành, cơ sở vật chất và phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác xử lý vi phạm còn thiếu; cán bộ quản lý tài nguyên cấp huyện, cấp xã đều kiêm nhiệm, hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; một số tổ chức được cấp giấy phép khai thác chưa thực hiện đúng nội dung giấy phép như: khai thác vượt công suất, vượt quá khu vực cho phép, chưa lập dự án và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường...
Nguyên nhân là công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về khoáng sản chưa được thường xuyên và sâu sắc, ý thức bảo vệ tài nguyên chưa cao; tài nguyên cát sông nằm trên địa bàn rộng lớn, có nhiều đoạn sông có khoáng sản tiếp giáp với các tỉnh lân cận, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ thanh tra, kiểm tra; công tác thanh tra thiếu thường xuyên, thông tin kiểm tra, thanh tra bị rò rỉ...
Để quản lý tốt hơn hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và môi trường trong hoạt động khoáng sản, đưa hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất sét) và than bùn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo Chương trình hành động số 74-CTr/TU ngày 28-1-2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các ngành chức năng phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, kinh doanh mua bán và vận chuyển cát sông trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tăng cường năng lực và chất lượng thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản, bảo đảm cấp phép thăm dò, khai thác đúng quy định của pháp luật; tổ chức theo dõi, giám sát những khu vực khai thác có ảnh hưởng đến môi trường và nguy cơ sạt lở bờ sông để có hướng điều chỉnh cho hợp lý.
Đồng Dao