Hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Cập nhật ngày: 19/09/2024 05:20:20
ĐTO - Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế nông nghiệp, từ năm 2021 đến nay, huyện Tam Nông thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, giúp nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán canh tác và tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao vào sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.
Nông dân huyện Tam Nông mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững giúp tăng thu nhập, nâng cao chất lượng hạt gạo (Ảnh: Mỹ Lý)
Đồng hành cùng sự phát triển ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, bà con nông dân cùng địa phương xây dựng các mô hình nông nghiệp điển hình, mang lại nhiều kết quả phấn khởi như: mô hình sản xuất lúa an toàn gắn với liên kết tiêu thụ và kết hợp chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ; mô hình phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp (ứng dụng thiết bị bay trong phun xịt thuốc, giống, bón phân); đầu tư kinh phí lắp đặt các Trạm kiểm soát côn trùng thông minh, ứng dụng phần mềm ghi chép nhật ký đồng ruộng bằng smartphone...
Đáng chú ý, huyện Tam Nông vừa thực hiện thí điểm mô hình “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp” vụ đông xuân 2023 - 2024 tại xã Phú Thành A. Mô hình này có 23 hộ dân đăng ký tham gia với tổng diện tích 82ha, thực hiện tại ô bao số 9 và ô bao số 10 xã Phú Thành A.
Theo đó, nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm”, ứng dụng công nghệ gieo sạ cụm, sạ hàng, sạ bằng thiết bị bay và sử dụng lượng giống 100kg/ha, thấp hơn 50kg/ha so với ruộng ngoài mô hình. Việc áp dụng phương pháp sạ thưa vừa góp phần giảm chi phí lúa giống (ước khoảng 550.000 đồng/ha), lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật so với sản xuất truyền thống vừa giúp cây lúa to khỏe, bông lớn, hạn chế đổ ngã và tăng về năng suất, chất lượng hạt lúa. Tổng lượng phân bón sử dụng trong mô hình là 530kg/ha, gồm bón phân hữu cơ 200kg/ha bón lót trước khi sạ và phân hóa học 330kg/ha. Trong khi đó, lượng phân bón hóa học ở ruộng ngoài mô hình là 450kg/ha.
Nông dân còn chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý... giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, bảo tồn thiên địch, kiềm chế sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại. Qua đó góp phần giảm số lần phun, giảm chi phí, tăng chất lượng và lợi nhuận.
Qua theo dõi, ruộng trong mô hình có số lần sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại ít hơn ruộng đối chứng 3 lần phun/vụ (1 lần phun trừ sâu rầy, 2 lần phun trừ bệnh). Do đó, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn ruộng đối chứng.
Qua thực tế, mô hình còn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Do áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: sạ hàng, sạ thưa, sạ cụm, bổ sung phân bón hữu cơ, bón phân cân đối NPK và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giúp ruộng mô hình có chi phí sản xuất là 23,8 triệu đồng/ha, thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình là 1,2 triệu đồng/ha. Ruộng mô hình đạt năng suất 75 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình là 3 tạ/ha, giá bán lúa tươi 8.000 đồng/kg, tổng thu 60 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 36,2 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng ngoài mô hình là 3,6 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất là 3.173 đồng/kg, thấp hơn ruộng ngoài mô hình 299 đồng/kg.
Đối với hiệu quả về xã hội, thực hiện thành công mô hình “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp” giúp hình thành quy trình sản xuất nông nghiệp theo xu hướng chung của thế giới, thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, thuận tự nhiên và bền vững. Ngoài ra, mô hình còn góp phần thúc đẩy các bên liên quan chung tay vào lộ trình cắt giảm phát thải khí carbon, sớm đưa nước ta đạt đến “zero carbon” vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ.
Đáng chú ý là mô hình góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng phân hữu cơ vào quy trình sản xuất lúa, giúp giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học, kết hợp với quản lý dịch bệnh và cỏ dại. Mặt khác duy trì cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh, động vật sống trong ruộng lúa. Chủ động kiểm soát sâu bệnh, giảm thấp nhất tác hại do sâu bệnh gây ra. Kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra trong quá trình sản xuất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và các loài động vật.
Nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, huyện áp dụng tưới tiêu chủ động nhằm giảm thời gian ngập nước trên ruộng lúa sẽ giúp giảm phát thải khí. Khuyến cáo người dân sử dụng phân đạm hợp lý, không nên bón quá nhiều phân urê; quản lý đất tốt, giữ đất thông thoáng, tránh ngập nước, dọn sạch tàn dư động, thực vật cũng như tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi mùa vụ.
Đồng thời từ hiệu quả và những thuận lợi, khó khăn trong triển khai mô hình thực hiện thí điểm “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp” ở xã Phú Thành A, huyện sẽ có kế hoạch nhân rộng ở những địa phương có điều kiện và đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như: thực hiện hồ sơ đăng ký để cấp mã số vùng trồng và cấp giấy chứng nhận thực hiện Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); đầu tư xây dựng hệ thống bơm tiết kiệm điện, nước cho các hợp tác xã để phục vụ tưới, tiêu chủ động và giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho các thành viên, nông dân; tiếp tục đầu tư kinh phí lắp đặt các Trạm giám sát côn trùng thông minh để người dân cập nhật, theo dõi và chủ động hơn trong công tác phòng trừ hiệu quả sâu bệnh gây hại.
Bên cạnh đó, tiếp tục mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp và thị trường...
Y Du