Huyện Cao Lãnh đẩy mạnh sản xuất theo hướng tích hợp đa giá trị

Cập nhật ngày: 13/10/2024 05:55:58

ĐTO - Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và bền vững, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người sản xuất, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất an toàn, bền vững, thời gian qua, huyện Cao Lãnh đã quan tâm tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh sản xuất theo hướng tích hợp đa giá trị gắn kết với thị trường tiêu thụ, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đã góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho thị trường, nâng cao thu nhập và đời sống người dân trên địa bàn.

Huyện đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị, thực hiện các mô hình nông nghiệp tuần hoàn kết hợp du lịch sinh thái (trồng cây ăn trái kết hợp với nuôi cá và tổ chức xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng) xã Bình Hàng Trung; mô hình trồng sen kết hợp du lịch sinh thái xã Phương Thịnh... tiến đến xây dựng mối liên kết trong chuỗi giá trị, đảm bảo giảm giá thành sản xuất; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho nông dân; hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện có hơn 40 mô hình canh tác đa tầng, cải tạo vườn tạp được triển khai thực hiện trên diện tích gần 130ha với 146 hộ tham gia đã mang lại hiệu quả thiết thực, có thu nhập cao hơn từ 1,2 - 1,3 lần so với sản xuất bình thường. Các mô hình phát huy lợi thế sẵn có trên nền tảng nông nghiệp như: Trồng dâu tằm kết hợp nuôi cá; Sen, ấu kết hợp nuôi ốc bươu đen, thủy sản; Lúa, cá; Cây ăn trái, lúa kết hợp với thủy sản, hoa kiểng; Cây ăn trái, rau màu kết hợp với thủy sản; Chăn nuôi ếch kết hợp nuôi cá; Trồng rau màu kết hợp nuôi tôm càng xanh; Trồng sầu riêng kết hợp nuôi cá, nuôi heo rừng và nuôi yến...


Ông Võ Tấn Hải (ngụ xã Bình Hàng Trung) thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp đa sản phẩm trên cùng diện tích

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của địa phương về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang kinh tế nông nghiệp, tập huấn và hướng dẫn sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ông Võ Tấn Hải ở xã Bình Hàng Trung đã mạnh dạn trồng nhiều loại cây khác nhau trên cùng diện tích theo hình thức đa tầng, tạo sự tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp và mang lại nguồn thu trên cùng diện tích. Ông Hải tận dụng diện tích ao trong vườn mít để thả cá, nuôi ốc và trồng thêm bông súng, làm giàn trồng bầu, bí... Việc lựa chọn canh tác hữu cơ giúp ông giảm chi phí sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Ông Võ Tấn Hải cho biết, sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động, tôi tận dụng hết diện tích đất từ ao, vườn, bờ đê... để phát triển sản xuất theo hướng mô hình đa tầng, đa giá trị. Kết quả, với diện tích 2ha, tôi có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng tăng hơn so với trước khi thực hiện chuyển đổi mô hình.

Bên cạnh đó, huyện Cao Lãnh còn thực hiện các mô hình, dự án nông nghiệp tiên tiến; chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát thải cac-bon thấp, thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt là quy trình chế biến phụ phẩm xoài theo vòng tuần hoàn từ chế biến, nuôi trồng mang lại hiệu quả cao của Công ty TNHH Công nghệ ENDOTA. Ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm thức ăn cho vịt, gà hoặc chế biến thành các chế phẩm sinh học dịch thủy phân cung cấp dinh dưỡng cho trồng trọt, thủy sản.

Ngoài ra, huyện Cao Lãnh còn có các mô hình như: làm phân vi sinh từ lục bình được nông dân xã Bình Thạnh, thị trấn Mỹ Thọ thực hiện và đã thành lập các Tổ liên kết sản xuất phân vi sinh lục bình. Hay mô hình canh tác lúa bền vững, ứng dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (IPM, 3G3T, 1P5G, SRP) trên địa bàn xã Ba Sao, thành viên hợp tác xã tuân thủ quy trình sản xuất được khuyến cáo; ứng dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP - Sustainable Rice Platform), hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng và quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) có trách nhiệm...  

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian qua, để tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực, toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 2.380ha, đạt 95% kế hoạch, ước đến cuối năm 2024 đạt hơn 2.800ha. Hướng tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị (kinh tế, văn hóa và môi trường); phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị; thực hiện cải tạo vườn tạp, sản xuất ít nhất 2 tầng và sử dụng có hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị, tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần thực hiện đạt tiêu chí về thu nhập trong bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Mô hình sản xuất nông nghiệp đa tầng, đa sản phẩm, đa giá trị đang mang lại những lợi ích về kinh tế, thân thiện với môi trường, từng bước đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, giúp nông dân huyện Cao Lãnh nâng cao ý thức, thay đổi phương thức sản xuất.

MỸ LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn