Huyện Cao Lãnh tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 25/10/2024 14:46:19
ĐTO - Được sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh và sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện Cao Lãnh, sự đồng lòng của các cấp, các ngành cùng sự đồng thuận của Nhân dân, doanh nghiệp nên việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt được kết quả tích cực. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ nông sản được nhân rộng, mang lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
UBND huyện Cao Lãnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của huyện. Cùng với đó, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Trong đó, các ngành hàng chủ lực của huyện là: lúa gạo, xoài, cá lồng bè (điêu hồng) và các ngành hàng tiềm năng là chanh, ổi, sầu riêng, sen, ếch.
Trên địa bàn huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng 2.373ha, đạt 95% kế hoạch, ước đến cuối năm 2024 đạt 2.825ha; liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt 11,68% sản lượng cây ăn trái (vượt 1,68% kế hoạch), ước đến cuối năm 2024 đạt 15% sản lượng cây ăn trái; diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa đạt 25.723ha (vượt 2,9% kế hoạch), ước đến cuối năm 2024 đạt 27.000ha.
Huyện Cao Lãnh tổ chức họp Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024
Đến nay, toàn huyện có 6 cơ sở đóng gói được cấp mã số vùng trồng và 421 vùng trồng được cấp mã số với diện tích gần 32.000ha, đạt 86% diện tích sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, cây lúa có 184 vùng trồng với diện tích 25.300ha; cây ăn trái có 228 vùng trồng với diện tích 6.270ha (cây xoài 150 vùng trồng, diện tích 4.134ha; cây chanh có 21 vùng trồng, diện tích 662ha; cây sầu riêng có 20 vùng trồng, diện tích 545ha; cây nhãn có 4 vùng trồng, diện tích 108ha; cây mít có 25 vùng trồng, diện tích 684ha; cây ổi có 8 vùng trồng, diện tích 151ha); rau màu có 9 vùng trồng với diện tích 153ha. Các vùng trồng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như: 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm (sản xuất cacbon thấp), mô hình không dấu chân, công nghệ sinh thái, tiêu chuẩn toàn cầu SRP; các vùng sản xuất đều có dự án/mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và được đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ đảm bảo phục vụ sản xuất (giao thông, thủy lợi).
Cùng với đó, ngành chức năng huyện vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ các thủ tục sản xuất, kinh doanh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, xây dựng bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm... đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Toàn huyện có 60 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 16 sản phẩm OCOP 4 sao và 44 sản phẩm OCOP 3 sao. Ước cuối năm 2024, đạt 10 sản phẩm OCOP (gồm có 8 sản phẩm OCOP 3 sao, 2 sản phẩm OCOP 4 sao) được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, với sự quyết tâm, sâu sát, chủ động và đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện và sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân tạo nên sự thành công trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân, nâng cao chất lượng hoạt động trong các Hội quán, Tổ nhân dân tự quản, qua đó vận động hội viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang kinh tế nông nghiệp, thực hiện liên kết trong sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục thực hiện các mô hình sản xuất kiểu mẫu gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát triển kinh doanh thương mại điện tử để tăng thêm giá trị kinh tế số gắn với thúc đẩy phát triển xã hội số và chính quyền số, triển khai thực hiện “Xã thương mại điện tử” tại xã Mỹ Xương.
Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh công tác phối hợp với ngành, đơn vị liên quan chuyển giao khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng các mô hình canh tác tiên tiến, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu... từng bước hình thành chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực, tiềm năng; khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại, các giống cây trồng, vật nuôi có tính chống chịu cao, xác lập cơ chế giám sát chặt chẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình khởi nghiệp và Chương trình OCOP trên cơ sở tổ chức lại sản xuất làng nghề kết hợp với canh tác công nghệ - kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ mới, kết hợp với du lịch trải nghiệm và phát triển thương mại điện tử... nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
M.L