Thanh thiếu niên tự sát - Vấn đề cần quan tâm

Cập nhật ngày: 12/10/2012 08:01:27

Tình hình thanh thiếu niên (TTN) tự sát trên địa bàn tỉnh còn diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 6 năm 2012 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ TTN tự sát, làm chết 16 người. Địa bàn xảy ra là huyện Cao Lãnh (7 vụ, chết 7 người), thành phố Cao Lãnh (2 vụ, chết 2 người), Thanh Bình (2 vụ, chết 2 người)...

Điển hình như vào ngày 26/1/2012, C.T.P (SN 1989) ngụ ấp Tuyết Hồng, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng tự sát bằng cách uống thuốc trừ sâu. Sau khi người nhà phát hiện, nạn nhân được đưa đến Trạm Y tế xã Tân Thành A cấp cứu nhưng đã tử vong. Công an tỉnh Đồng Tháp xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tự sát là do C.T.P buồn phiền chuyện gia đình.

Tương tự, ngày 12/3/2012, tại khóm Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, N.T.X (SN 1988) do buồn phiền gia đình nên treo cổ tự tử. Công an tỉnh tiến hành khám hiện trường, tử thi, xác định nạn nhân chết ngạt do treo cổ.

Theo ngành chức năng tỉnh, tình hình TTN tự sát tập trung chủ yếu vào một số nhóm nguyên nhân: gia đình không hoàn thiện (cha mẹ không hòa thuận, bạo lực, nghiện ngập, phạm pháp...), việc quản lý, giáo dục con em của gia đình chưa khoa học, thiếu trách nhiệm, không quan tâm quản lý, giáo dục con em, đùn đẩy cho nhà trường và xã hội; mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội nhiều nơi còn buông lỏng, chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời những biểu hiện bất thường của các em ngay từ ban đầu; do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, các em chưa được rèn luyện nhiều về kỹ năng sống, chưa biết vượt qua khó khăn trong cuộc sống, dễ bị tác động dẫn đến bi quan, bế tắc có hành động thiếu suy nghĩ là tự sát để giải quyết mọi vấn đề.

Theo ngành chức năng, thời gian tới cần xây dựng đề án nghiên cứu sâu về tình hình TTN tự sát, tìm ra những nguyên nhân và giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả tình hình TTN có nguy cơ vi phạm pháp luật và tự sát; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động gia đình, nhà trường và các ngành, đoàn thể quan tâm quản lý, giáo dục, ngăn chặn TTN vi phạm pháp luật và tự sát; ngành giáo dục chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan thành lập tổ tư vấn tâm lý trong trường học để giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tạo điều kiện cho TTN tham gia các hoạt động xã hội, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh... giúp các em nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tự tin trong cuộc sống, tránh những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật và tự sát.

Đặc biệt, gia đình cần quan tâm, tìm hiểu tâm tư, tình cảm và kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của con em để có biện pháp ngăn ngừa TTN vi phạm pháp luật và tự sát, đảm bảo gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho TTN trong cuộc sống.

Ngọc Tâm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn