Triển khai, thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030
Cập nhật ngày: 08/07/2024 05:26:29
ĐTO - Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên (HGV) gắn với các nhiệm vụ chính trị, pháp lý, đáp ứng tình hình mới của đất nước, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
UBND tỉnh luôn quan tâm thực hiện nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ HGV ở cơ sở tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu có 100% tập huấn viên cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho HGV ở cơ sở. 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Ít nhất 10% tổ hòa giải ở cơ sở được Luật sư, Luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, người đã từng là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hỗ trợ về chuyên môn pháp luật.
Cùng với đó, từ 80 - 100% HGV ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng kỹ năng hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành. Phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên toàn tỉnh đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỷ lệ hòa giải thành phải đạt trên 90%. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở và đến năm 2030 có ít nhất mỗi huyện 1 đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “Cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”.
UBND tỉnh đề ra các những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó chọn 8 đơn vị cấp xã thuộc 4 huyện, thành phố làm điểm chỉ đạo thực hiện Đề án gồm: TP Hồng Ngự và 3 huyện: Tân Hồng, Thanh Bình, Cao Lãnh. Hoạt động chỉ đạo điểm tập trung vào các nội dung: tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho HGV ở cơ sở; xây dựng mô hình “Cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho đội ngũ HGV ở cơ sở; biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân, HGV ở cơ sở có đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở...
Thanh Trúc