Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói về đổi mới giáo dục

Cập nhật ngày: 25/11/2013 05:29:34

Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 24/11, Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận đã đề cập một số nội dung quan trọng, liên quan đến Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT vừa được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua.

Câu hỏi đầu tiên dành cho Bộ trưởng Luận được gói ghém từ bức xúc của một phụ huynh gửi tới chương trình: "Con tôi mới đi học lớp 1, nhưng mỗi ngày đã phải gánh nặng trên vai những chồng sách, vở".


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Chia sẻ với bức xúc của phụ huynh

Tìm hiểu cặn kẽ hơn, vị phụ huynh bay tỏ bức xúc với những đề toán theo kiểu: “Nam năm nay 4 tuổi, bố Nam gấp 3 lần tuổi của Nam, hỏi bố Nam năm nay bao nhiêu tuổi?” - đáp án: “Bố Nam năm nay 12 tuổi”. Hay một đề toán “ghê rợn” khác: “Em có 5 ngón tay. Em chặt bớt 2 ngón. Hỏi còn mấy ngón?”.

Vị phụ huynh bày tỏ lo lắng cho tương lai của con mình trước những đề toán như trên, đồng thời đề nghị Bộ trưởng có giải pháp về vấn đề này để cha mẹ học sinh yên tâm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: "Tôi xin chia sẻ sự bức xúc của các bậc phụ huynh, liên quan đến những thông tin về sai sót, phi lí, không thực tiễn".

Bộ trưởng nói đây là biểu hiện của tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục. Những tài liệu được lưu hành chính thống trong nhà trường không có những sai sót như thế này. Theo Bộ trưởng, những tài liệu này do những người viết không đủ kiến thức về khoa học giáo dục, không có kiến thức về thực tiễn và thiếu trách nhiệm khi biên soạn, được những nhà xuất bản, nhà in chạy theo đồng tiền đơn thuần đưa ra thị trường. Do vậy, nó thâm nhập ở mức độ nhất định vào các nhà trường.

Thấy được thực tiễn này, Bộ GDĐT đã chủ động triển khai biên soạn và ban hành VBQPPL để dựng lên “hàng rào kỹ thuật” trước cổng trường. Theo Bộ trưởng “hàng rào này”, một mặt đưa được những tài liệu tham khảo tốt trong nước, cũng như của nước ngoài vào nhà trường, với liều lượng thích hợp, đồng thời chặn đứng những cuốn sách phản giáo dục, không khoa học, không phù hợp với thực tiễn, với lứa tuổi. Qua đó, giúp các nhà trường có cơ chế lựa chọn được sách, tài liệu, ngăn chặn được những tài liệu không tốt.

Bộ trưởng cho biết thêm: Bộ GDĐT cũng bàn bạc với Bộ TTTT để ra thông tư liên tịch nhằm xác định trách nhiệm của các nhà xuất bản trong việc phát hành những tài liệu liên quan đến giáo dục ở ngoài thị trường (khu vực mà Bộ GDĐT không có thẩm quyền quản lý trực tiếp).

Mặt khác, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các bậc phụ huynh, học sinh có sự lựa chọn, thẩm định kỹ những tài liệu liên quan đến giáo dục trước khi mua, để những loại sách này không lọt được vào gia đình.

Thay đổi toàn diện từ tư duy đến hành động

Trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo vừa được Trung ương thông qua, Bộ trưởng cho biết: Chúng ta sẽ có sự thay đổi cả trong quan điểm, cả trong mục tiêu, cả trong phương pháp, cả trong nguyên tắc chỉ đạo, điều hành hoạt động giáo dục của nhà trường.

Chúng ta sẽ chuyển từ cách dạy, cách học hiện nay là “nặng” về truyền thụ kiến thức của thầy cho học trò, sang phương thức chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh. Chúng ta sẽ chuyển từ phương pháp dạy các kiến thức khoa học hiện nay sang phương thức dạy cho học sinh tự học và từng bước tập dượt nghiên cứu.

Chúng ta sẽ tích hợp nhiều ở những lớp học và cấp học dưới, đồng thời phân hóa mạnh ở những lớp học và bậc học cao. Chúng ta sẽ chuyển từ việc đánh giá “học sinh tính toán nhanh, tính toán đúng, tính toán nhiều là giỏi sang phương thức hướng dẫn để học sinh sáng tạo”.

Thay vì dạy học sinh thành “nhà văn” thành "nhạc sĩ" sẽ dạy cho học sinh năng lực cảm thụ cái hay, cái đẹp của những bài thơ, bài văn. Học sinh sẽ có những cảm xúc lành mạnh trước những bản nhạc, bức tranh, đồng thời có năng lực từ chối những sản phẩm độc hại, không có lợi cho quá trình hình thành nhân cách, phẩm chất của mình.

Chúng ta sẽ tạo dựng một thế hệ tự chủ, tự tin, biết trình bày diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình, đồng thời có khả năng lắng nghe tiếp thu cái hay, cái tốt của đồng nghiệp, của bạn học, của những người xung quanh, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tích hợp nhưng không cóp nhặt tùy tiện

Về vấn đề tích hợp kiến thức, hiện có những băn khoăn về khả năng tích hợp theo kiểu “nhặt” mỗi môn một chút (Văn một chút, Sử một chút, Địa một chút “trộn” vào với nhau thành môn mới không khác gì bình mới rượu cũ, nhiều thứ góp lại thành một). Như thế những chiếc cặp trĩu nặng trên vai học sinh cũng không vơi bớt.

Bộ trưởng khẳng định rõ: Đây không phải là sự cóp nhặt một cách tùy tiện những kiến thức của môn khoa học này, khoa học kia mà là lựa chọn có chủ đích những kiến thức khoa học của cuộc sống, những kiến thức góp phần hình thành năng lực, phẩm chất của học sinh theo lộ trình từ lớp dưới lên lớp trên, từ nhỏ đến lớn được đưa vào để giảng dạy.

Cụ thể hơn, ví dụ bây giờ chúng ta chia thành các môn Văn, Sử, Địa,... còn sắp tới sẽ không phân chia tách bạch như vậy. Khi giảng dạy kiến thức liên quan đến địa lý, về đất nước Việt Nam, về những vùng đất cụ thể, không có lý gì lại không nói về những sự kiện, những nhân vật, những anh hùng, những nhà văn hóa, nhà quản lý, những người có công đối với vùng đất đó, đất nước đó. Đó là Lịch sử. Rồi cũng không có lý gì phải tách bạch với việc học một tư liệu lịch sử với những cảm nhận về văn chương về văn học của học sinh.

Do vậy, từng kiến thức sẽ được lựa chọn, truyền tải tới học sinh, giúp cho học sinh tự học, tự tìm hiểu để có được kiến thức tổng hợp cả về Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân và những kỹ năng khác, giúp học sinh từng bước trở thành con người mới.

Sẵng sàng vượt khó để đổi mới thành công

Trước những băn khoăn của giáo viên, những người thực thi phương pháp mới, Bộ trưởng cho biết: Đổi mới lần này là đổi mới căn bản, cách thức tư duy sẽ khác, vị trí người thầy sẽ khác, vai trò, nhiệm vụ người học sẽ khác, phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp kiểm tra sẽ khác. Như vậy chúng ta phải từ bỏ một cách nghĩ, cách làm vốn là “máu thịt” từ nhiều thế hệ thầy, cô giáo, nhiều thế hệ học sinh trước đây sang một cách làm mới.

Theo Bộ trưởng, chúng ta không có lựa chọn khác, bởi vì đây là con đường, cách thức mà hầu hết các nước, trong đó có những nước phát triển cả về KT-XH, cả về khoa học giáo dục đang đi.

Bộ trưởng khẳng định: “Khó khăn thì nhiều, nhưng hoàn toàn có thể làm được”. Trong quá trình nghiên cứu trình Trung ương thông qua Nghị quyết, Bộ đã phối hợp với nhiều địa phương trong cả nước (có địa phương thuận lợi như: Hà Nội, Nam Định; có địa phương khó khăn như: Lao Cai, Bắc Kạn, Cà Mau) triển khai mô hình, phương án đổi mới ở hàng chục ngàn trường, với hàng chục ngàn học sinh. Với điều kiện hiện tại về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô, và những học sinh vùng cao thậm chí các em còn chưa nói được tiếng Việt, nhưng việc triển khai đã thành công.

Tuy vậy để nhân rộng, vẫn còn những khó khăn, cũng giống như một người bước trăm bước thì dễ, nhưng trăm người cùng bước nhiều bước, thậm chí bước nhiều bước là công việc liên quan đến tổ chức và quản lý. Hình dung trước những khó khăn này, Bộ đã có kế hoạch triển khai cụ thể.

Ngoài sách giáo khoa, Bộ sẽ biên soạn sách hướng dẫn giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu, thay đổi từng bước. Với cơ sở vật chất đã được trang bị, Bộ sẽ cho in địa hình chuyển về các nhà trường làm tài liệu để các thầy cô giáo kể cả ở những vùng sâu, vùng khó khăn có cơ hội được tiếp xúc, làm việc với những nhà giáo có kinh nghiệm nhất của ngành. Bộ cũng tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin và điều kiện kỹ thuật cho phép để liên lạc trực tuyến với các thầy cô giáo, để tất cả những vướng mắc đều được các chuyên gia giải đáp.

Bình Minh (Chinhphu.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn