Cô dâu Việt xứ "Kim chi”: Nỗi niềm hai tiếng quê hương

Cập nhật ngày: 11/12/2013 10:44:56

Mới đây, một chương trình hỗ trợ các cô dâu Việt thăm quê cho khỏa lấp nỗi nhớ cứ day dứt trong lòng đã được tổ chức.


Gia đình những cô dâu Việt lấy chồng Hàn về thăm Việt Nam

Quyết định "tòng phu” sang xứ sở Kim chi, nhiều cô dâu Việt thấy mình lạ lẫm với văn hóa, ngôn ngữ, lối sống…. ở Hàn Quốc. Mong muốn về thăm quê hương cho khỏa lấp nỗi nhớ cứ day dứt trong lòng các cô dâu Việt. Mới đây, một chương trình hỗ trợ các cô dâu Việt thăm quê đã được tổ chức.

Nỗi nhớ nhà…

Lấy chồng xa xứ biết đâu mà về - đó là tâm trạng chung của những cô dâu Việt lấy chồng ngoại nói chung và lấy chồng Hàn Quốc nói riêng. Chị Nguyễn Thị Thúy (27 tuổi, quê ở Hậu Giang) mở đầu bằng câu chuyện của một phụ nữ Việt nghèo đi lấy chồng Hàn Quốc được 6 năm. 21 tuổi, chị Thúy làm thuê, làm mướn cho qua ngày đoạn tháng và cũng không nghĩ mình sẽ lấy chồng ngoại quốc. Nhưng đời sống vất vả, theo lời hướng dẫn của mọi người chị tìm đến công ty môi giới để mong kiếm được một tấm chồng ngoại quốc. Gặp "ý trung nhân” người Hàn chỉ một lần duy nhất, 2 tháng sau chị quyết định "tòng phu” sang xứ sở Kim Chi. Ba mẹ chồng chị mất sớm, chị là con dâu út trong một gia đình làm nông ở tỉnh ChungCheongbuk-Do tại Hàn Quốc. Nơi chị ở là một vùng quê xa xôi, hẻo lánh với những cánh đồng nhấp nhô. Suốt ngày cùng chồng chăm lo nông nghiệp, cơm nước. Cuộc sống của chị gần như chỉ gói gọn trong mảnh vườn và ngôi nhà nhỏ. Chị Thúy nhớ lại: "Lúc mới sang Hàn Quốc, tôi cảm thấy mình như chim non lạc mẹ bởi tiếng Hàn chỉ nói được bập bẹ, người Việt thì chưa quen một ai. Mọi thứ chỉ diễn ra trong căn nhà nhỏ khiến tôi chỉ biết khóc và khóc”.

Đồng cảnh ngộ với chị Thúy, chị Trương Thị Kim Loan (28 tuổi, quê Cần Thơ) tâm sự: Quen qua mai mối từ cô em họ lấy chồng Hàn Quốc, sau một lần gặp gỡ "đối tượng”, chị quyết tâm gửi gắm số phận của mình cho người chồng tương lai có quốc tịch Hàn Quốc hơn mình đến 20 tuổi. 4 năm sống nơi đất khách quê người đối với chị Loan đó là thời gian dài nhất trong đời. Lạ lẫm với văn hóa, ngôn ngữ, lối sống… , ngoài công việc đồng áng cùng chồng và giữ trọn bổn phận làm dâu chị Loan không biết làm gì hơn. Lấy chồng Hàn được bấy nhiêu năm là bấy nhiêu thời gian chị nhớ quê hương da diết. "Được trở về thăm quê là niềm ao ước, hạnh phúc nhất mà mấy năm nay tôi không thể thực hiện được. Mấy đêm trước khi về Việt Nam tôi hoàn toàn không ngủ được vì khấp khởi mong được gặp lại gia đình thân yêu”. Chị bảo, giờ mới thấm đẫm lời bài hát "Chồng gần không lấy em lấy chồng xa, giờ đây nhớ mẹ thương cha còn đâu thong thả đi về nhà thăm”.

Hỗ trợ cô dâu Việt về thăm quê

Ông Kim Sang Seok, Quản lý cấp cao của ngân hàng nông nghiệp Hàn Quốc cho biết, hiện Hàn Quốc có hơn 52.000 cô gái Việt Nam đã kết hôn với đàn ông Hàn, chỉ xếp sau Trung Quốc. Trong đó có 50 – 60% cô dâu Việt lấy chồng làm nông nghiệp và hầu hết cô dâu Việt đều có nguyện vọng được về thăm quê hương. Chính vì lẽ đó, năm 2013 ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc đã hỗ trợ và tạo điều kiện để một số cô dâu Việt về thăm quê. Cuối năm 2013 có 19 cô dâu Việt cùng gia đình đến từ 8 tỉnh của Hàn Quốc về thăm Việt Nam. Đây là lần thứ 7, Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc tổ chức cho 1.3000 gia đình với khoảng 5.000 người nhằm hỗ trợ các gia đình có mong muốn về thăm quê hương. Chia sẻ về niềm vui được về thăm quê, chị Kim Loan không giấu được cảm xúc: "Giấc mơ về thăm quê của tôi đã thành hiện thực. Mặc dù về Việt Nam không đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc nhưng tôi cảm thấy rất vui khi được gặp người thân trong gia đình. Tôi mong rằng, phía Hàn Quốc thường xuyên có những chương trình tương tự như Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc để cô dâu Việt sống tại Hàn có điều kiện trở về thăm quê hương”.

Ước mong thường xuyên được về thăm quê hương đối với các cô dâu Việt lấy chồng Hàn hoàn toàn không đơn giản. Và đối với cô dâu Việt, buồn nhất là những ngày cuối năm nơi đất khách quê người. "Ăn Tết bên xứ sở Kim chi buồn lắm! Tuyết phủ kín lên tận nóc nhà, không có lấy một bông hoa, không có ánh đèn đường, nhà nào nhà nấy đóng cửa”, chị Thúy kể. Cũng theo lời kể của các cô dâu Việt, ngày thường vùi đầu vào công việc nên nỗi nhớ quê có phần nguôi ngoai song những ngày cuối năm thì nỗi nhớ càng day dứt hơn. Những lúc đó các cô dâu Việt không biết làm gì chỉ lặng lẽ khóc vì nhớ nhà, nhớ quê. Chị Loan tâm sự: "Ngày thường cắm đầu vô công việc, chứ ngày Tết chỉ biết đi ngủ cho xong thôi. Giá như ngày Tết mà cũng đi làm thì hay biết mấy”. Do xa nhà và sống ở nông thôn nên hầu hết cô dâu Việt cho rằng, Tết ở Hàn Quốc rất buồn, không giống như ở Việt Nam. Tết đến Xuân về ngoài nhìn những món đồ cúng mang đậm đà hương vị của xứ sở Kim chi, cô dâu Việt thường nghĩ đến món ăn thuần Việt. Đặc biệt là những món như: khổ qua nhồi thịt, thịt kho trứng. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà các cô dâu Việt cũng cố gắng tìm kiếm và bày biện thêm vài món ngon của Việt Nam…thế nhưng nỗi niềm quê hương đâu dễ nguôi ngoai.

Theo Thanh Giang/ Đại đoàn kế

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn