Lời nhắc nhở về y đức

Cập nhật ngày: 08/12/2013 05:19:39

Hình ảnh người bác sĩ ân cần và trìu mến đứng bên theo dõi cháu bé vừa được mổ tách rời sẽ được nhớ tới rất lâu, không chỉ với nhân dân mà còn với cả những người thầy thuốc, như một lời nhắc nhở về y đức.


TS.BS Trương Quang Định, người tổng chỉ huy ca phẫu thuật,
bên bé Phi Long sau khi được tách rời. Ảnh: VGP

Ca phẫu thuật tách cặp song sinh Long-Phụng (tại TP HCM) đã gây ấn tượng mạnh trong xã hội. Đó không chỉ là sự khâm phục một ca mổ “công nghệ cao”, mà còn bao hàm cả sự ngưỡng mộ và biết ơn những tấm lòng thầy thuốc.

Theo thông tin mới nhất, trả lời mối quan tâm của PV Báo Điện tử Chính phủ về ca mổ lịch sử này và nhất là tình hình sức khỏe của 2 cháu bé, chiều tối ngày 6/12, bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, người phụ trách ca mổ hai bé trai Phi Long và Phi Phụng (Ninh Thuận) cho biết, đến thời điểm hiện nay, tình hình sức khỏe của hai bé tiến triển rất tốt. Các cháu đã uống được sữa thông qua ống thông với dạ dày. Sang tuần tới, bé Phi Long sẽ không phải thở bằng máy, còn bé Phi Phụng sẽ được đóng phần da bụng và ra ngực.

Hơn một năm chuẩn bị. Hàng chục lần hội chẩn. 70 thầy thuốc tham gia ca mổ, chia làm nhiều kíp, phối hợp nhịp nhàng và chính xác tuyệt đối suốt 10 tiếng đồng hồ… Chỉ chừng ấy thông tin phác thảo đã đủ thấy được phần nào sự phức tạp, khó khăn của ca mổ cũng như sự dày công, tỉ mỉ, cẩn trọng của các thầy thuốc.

Từ khá lâu rồi, các y bác sĩ mới được dư luận và báo chí nhắc đến với thiện cảm như vậy, sau không ít những sự cố liên quan đến ngành Y như các ca tử vong sau tiêm vaccine, vụ thẩm mỹ viện Cát Tường… Nói cho công bằng, ngành Y không thể phủ nhận phần trách nhiệm của mình trong các “sự cố” đó, nhưng với ca phẫu thuật Long-Phụng, các thầy thuốc cũng hoàn toàn xứng đáng với những lời khen.

Ca mổ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng trình độ tay nghề điêu luyện, sự cẩn trọng và chính xác “tới từng milimet”. Trong một chừng mực nào đó, nghề Y đòi hỏi sự “lạnh lùng”, theo nghĩa không được để cảm xúc làm ảnh hưởng đến các thao tác kỹ thuật. Nhưng “cái đầu lạnh” phải đi kèm với một “trái tim nóng”. Bên cạnh sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong ca mổ là sự kiên nhẫn và tận tâm, để đem lại cuộc sống bình thường như mọi người cho hai sinh linh phải chịu đựng sự nghiệt ngã của số phận.

Có thể hiểu được những bức xúc của dư luận trong thời gian qua về các sự cố của ngành Y, kể cả những ý kiến gay gắt, nặng nề, thậm chí phiến diện, về sự xuống cấp về y đức của một số y bác sĩ. Nhưng trên thực tế, rõ ràng rất nhiều y bác sĩ vẫn đang ngày ngày làm hết sức mình vì tính mạng và sức khỏe của người bệnh, mà ca phẫu thuật trên chỉ là một ví dụ điển hình.

Và người dân vẫn muốn và thực sự vẫn dành cho đội ngũ y bác sĩ sự tôn trọng và tin yêu, không hiếm những người bệnh và gia đình coi bác sĩ như những ân nhân. Trong trường hợp của Long và Phụng, nhiều người nói các bác sĩ đã sinh ra các cháu lần thứ hai!

Đó là nhìn từ phía dư luận xã hội và người bệnh. Còn về phía ngành Y, có lẽ cũng rút ra được rất nhiều điều. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra chỉ thị yêu cầu các bệnh viện, Sở Y tế tái lập đường dây nóng, công khai số điện thoại giám đốc các bệnh viện, để người bệnh có thể phản ánh trực tiếp bức xúc của mình.

Không chỉ “nóng” ở con số 1.420 đường dây, động thái này của Bộ còn “nóng” khi ngay lập tức, hàng loạt bác sĩ tại các Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang đã bị xử lý sau những lời phàn nàn của người bệnh vì thái độ gắt gỏng, vì nhận phong bì…

Tại diễn đàn kỳ họp thứ 6 Quốc hội vừa qua, trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập vấn đề chấn chỉnh y đức như một nhiệm vụ cần quan tâm chỉ đạo trong năm 2014.

Phát biểu của Thủ tướng, rằng phải “kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc” đã được Bộ Y tế nhắc lại và lấy đó làm “kim chỉ nam” đối với hoạt động toàn ngành đã được nêu rõ trong công văn biểu dương Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu cho thôi việc 1 hộ lý nhận phong bì.

Đó là những biện pháp hết sức cần thiết, khẳng định quyết tâm của Bộ Y tế trong việc chấn chỉnh những biểu hiện sa sút về y đức.

Nhưng nghĩ cho cùng, để lấy lại niềm tin của người dân và dư luận, thì không có gì thuyết phục hơn những tấm gương thầy thuốc.

Khó có thể tránh được sự nhìn nhận phiến diện, vội vàng, nhất là với tiêu cực, nhưng về cơ bản, người dân hết sức công bằng và khách quan với những thành tựu của ngành Y, vẫn dành sự ngưỡng mộ và biết ơn tự đáy lòng với những lương y như từ mẫu.

Người dân có thể không hài lòng với những hạn chế về trình độ, nhưng sẽ dễ dàng bức xúc, thậm chí nổi giận với những y bác sĩ thiếu lương tâm. Người bệnh rất cần những bàn tay vàng, và cũng rất cần cả những trái tim thầy thuốc nồng nàn tình thương. Hình ảnh người bác sĩ ân cần và trìu mến đứng bên theo dõi cháu bé vừa được mổ tách rời sẽ được nhớ tới rất lâu, không chỉ với nhân dân mà còn với cả những thầy thuốc khác, như một lời nhắc nhở về y đức, rằng hãy xứng đáng là thầy thuốc của nhân dân.

Kim Tuấn (Chinhphu.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn