Kiểm soát tình hình kinh doanh, buôn lậu mặt hàng đường
Cập nhật ngày: 12/05/2013 12:49:04
Chính phủ yêu cầu báo cáo tình hình buôn lậu, kinh doanh tạm nhập tái xuất đường thời gian vừa qua.
Ngày 10/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Phượng đã ký Công văn Số 3702/VPCP-KTTH gửi các Bộ Công Thương, Tài chính, NN&PTNT, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương và Hiệp hội Mía đường Việt Nam truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng đường và tình hình buôn lậu đường trong thời gian vừa qua.
Theo nội dung Công văn, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài chính, NN&PTNT tham gia ý kiến đối với kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam về việc không cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương khẩn trương báo cáo tình hình buôn lậu đường và hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đường thời gian vừa qua. Trong đó cần làm rõ số lượng, giá trị và hình hình thanh khoản các lô hàng đường đã tạm nhập khẩu vào Việt Nam, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm 3, Công văn số 327/VPCP-KTTH ngày 10/1/2013 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung trên trước ngày 20/5 tới.
Trước đó, ngày 23/4/2013, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã có Công văn Số 24/2013/CV/HHMĐ gửi Thủ tướng Chính phủ phán ảnh tình hình buôn lậu đường và kiến nghị không cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường để giúp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ mặt hàng đường sản xuất trong nước.
Mới đây, theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, tính đến ngày 15/4 các nhà máy đường đã ép được 14.518.000 tấn mía, sản xuất được 1.321.580 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 1.903.000 tấn, lượng đường sản xuất tăng 203.580 tấn.
Tuy nhiên, lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15/4 là 560.320 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 205.320 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/2 đến 15/3 là 154.270 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 65.430 tấn.
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến tháng 4/2013 đã có 10 nhà máy đường trong nước đã phải dừng sản xuất gồm: Nước Trong, Long Mỹ Phát, Cà Mau, Bến Tre, Vị Thanh, Phụng Hiệp, Hòa Bình, Lam Sơn, Kon Tum, Sugar Việt Nam./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV