Lại đề nghị tăng giá xăng dầu:
Có thao túng thị trường và khuất tất lỗ-lãi?

Cập nhật ngày: 12/08/2012 14:53:35

Một loạt doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ngày 10-8 đã gửi văn bản đăng ký và đề nghị Bộ Tài chính cho phép tăng giá xăng dầu trong khoảng 500 - 1.400 đồng/lít. Nếu được chấp thuận, đây là lần thứ 3 xăng dầu tăng giá chỉ trong hơn 20 ngày. Việc giá xăng dầu vận hành theo sự biến động của thế giới là cần thiết, song đằng sau những lần tăng giá, câu chuyện được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có sự thay đổi, làm sao để thị trường xăng dầu thực sự cạnh tranh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp minh bạch.

Rục rịch tăng

Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM, Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex)... đã có văn bản đăng ký và đề xuất mức tăng giá xăng dầu mới lên Bộ Tài chính. Các mức tăng phổ biến được đưa ra là xăng RON92 tăng khoảng 1.400 đồng/lít; các loại dầu tăng trong khoảng 500 - 800 đồng/lít.

Không tiết lộ chi tiết nhưng đại diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết doanh nghiệp đã tính toán các phương án mới về điều chỉnh giá xăng dầu. Như vậy, nếu căn cứ theo các mức đề xuất của một số doanh nghiệp thì mức tăng giá xăng dầu sẽ nằm trong khoảng 2,4% đến gần 6,4%.


Mới tăng giá xăng chưa được bao lâu, các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất
tăng mạnh giá xăng, tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng

Các đề xuất tăng giá xăng dầu được đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore liên tục tăng. Kể từ thời điểm lần tăng giá gần đây nhất (1-8) đến ngày 8-8, tại thị trường Singapore, giá xăng đã tăng từ 116,4 USD/thùng lên 124,68 USD/thùng; dầu DO 0,05S từ 122,28 USD/thùng lên 128,70 USD/thùng; dầu hỏa từ 120,63 USD/thùng lên 127,44 USD/thùng. Còn tính trong 30 ngày qua, giá xăng dầu thế giới tăng đã làm cho giá cơ sở tăng gần 3% đến khoảng 5,8% tùy vào từng chủng loại.

Vì vậy, dự kiến tăng giá xăng dầu được đưa ra trong bối cảnh hiện nay, nhìn từ các quy định hiện hành được coi là “hợp lý” và đúng quy định. Bởi cuối tháng 6 vừa qua doanh nghiệp đã được trả quyền định giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, khi chênh lệch giữa giá cơ sở (giá xăng dầu nhập khẩu sau khi tính chi phí) bình quân 30 ngày và giá bán nằm trong khoảng 7% thì doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh tương ứng. Cũng theo quy định hiện hành, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày. Trong vòng 3 ngày, nếu Bộ Tài chính không hồi âm bằng văn bản, doanh nghiệp sẽ được quyền tăng giá.

Mức tăng giá xăng dầu tương đương hay thấp hơn đề xuất của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc hai công cụ trong tay Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu xăng dầu và mức trích Quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, khả năng giảm mức trích Quỹ bình ổn giá (300 đồng/lít) khó xảy ra vì cơ quan này vừa yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ đúng theo quy định hiện hành và mức biến động không làm giá cơ sở thấp hơn 12%.

Với việc chỉ số giá tiêu dùng giảm những tháng gần đây, thu ngân sách gặp khó khăn... nhiều khả năng, các công cụ thuế, Quỹ bình ổn giá sẽ khó áp dụng và giá xăng dầu có thể tăng tương đương hoặc tiệm cận với các đề xuất của doanh nghiệp.

Minh bạch và tạo sự cạnh tranh

Việc giá xăng vận hành theo cơ chế thị trường là điều cần thiết bởi đây là mặt hàng Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nên dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường thế giới. Do vậy, với một mặt hàng ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân như xăng dầu, chuyện minh bạch để vận hành theo cơ chế thị trường rất cần thiết.

Song, trên thực tế, việc này không phải lúc nào cũng được thực hiện. Người tiêu dùng đã từng nhiều lần chứng kiến việc doanh nghiệp chỉ sốt sắng đề xuất tăng giá nhưng tới lúc giảm giá lại thường để cơ quan quản lý, phương tiện truyền thông... giục và mức giảm cũng chỉ nhỏ giọt.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc các doanh nghiệp thường đưa ra cùng một mức điều chỉnh giá xăng dầu dù thời điểm, giá, khối lượng nhập khẩu khác nhau làm nhiều người nghi ngờ doanh nghiệp tăng giá không đúng thực chất. Mặt khác, dù có đến hơn 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng việc trên thị trường vẫn có một doanh nghiệp chiếm tới 60% thị phần như Petrolimex sẽ khiến việc cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh này gặp khó khăn. Bởi khi các doanh nghiệp lớn đưa ra mức giá của mình thì các doanh nghiệp nhỏ khác khó có thể tăng cao hoặc thấp hơn.

Một điểm nữa trong kinh doanh xăng dầu vẫn gây nhiều băn khoăn cho người tiêu dùng, chuyện minh bạch lỗ - lãi. Kết quả kiểm tra về kinh doanh xăng dầu vừa qua của Bộ Tài chính cho thấy, 9 tháng đầu năm 2011, Petrolimex liên tục bán cho các thành viên của mình và kể cả đại lý ngoài hệ thống với giá thấp hơn giá vốn nhiều khiến khoản chênh lệch do bán dưới giá vốn lên tới 847 tỷ đồng.

Trong kinh doanh hàng hóa, không một doanh nghiệp nào muốn bán dưới giá vốn, nhất là khi nhiều doanh nghiệp đang kêu giá xăng dầu thấp hơn nhiều so với giá nhập khẩu. Trong khi đó, ông Lê Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết đoàn kiểm tra đang kiến nghị làm rõ và khi chiết khấu càng cao doanh nghiệp bán hàng sẽ càng lỗ và đại lý sẽ càng có lợi.

ĐH (Theo Quang Minh-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn