Làm rõ các khâu kiểm soát, ngăn chặn gia cầm lậu
Cập nhật ngày: 06/11/2012 05:28:23
Từ đầu năm đến nay, hiện tượng gà lậu tràn vào nội địa gia tăng chóng mặt. Cách đây khoảng 2-3 tháng, khi Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo kiểm soát, ngăn chặn đồng thời dư luận liên tục lên tiếng, nạn buôn lậu có tạm lắng, nhưng gần đây hoạt động buôn lậu gia cầm ở khu vực biên giới phía Bắc lại rầm rộ trở lại. Đặc biệt, từ tháng 9, trung bình mỗi tuần cơ quan chức năng phát hiện 15-18 tấn gia cầm nhập lậu tại chợ Hà Vĩ (Thường Tín - Hà Nội), chợ đầu mối chuyên về gia cầm lớn nhất miền Bắc. Từ đây, gia cầm được hợp thức hóa, vận chuyển vào miền Trung và tận miền Nam.
Tình trạng gia cầm lậu bày bán ở chợ Hà Vĩ (Hà Nội)
có nguồn gốc từ Trung Quốc tồn tại từ nhiều năm nay
Theo Bộ NN-PTNT, bên cạnh nguồn gà thải loại từ Trung Quốc, thời gian gần đây còn xuất hiện cả gà thải loại nhập từ Hàn Quốc. Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo kiểm soát chặt và ngăn chặn gà thải loại từ Hàn Quốc. Hơn thế, theo cơ quan hải quan ở khu vực biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh, từ đầu năm 2012 đến nay còn rộ lên hiện tượng nhập ồ ạt gà giống lậu vào nước ta, không chỉ tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm mà còn bóp chết chăn nuôi trong nước. Theo thống kê của cơ quan thú y, khoảng 40% lượng gia cầm giống nhập lậu hiện nay chưa kiểm soát được.
Tại cuộc họp bàn về việc xây dựng đề án ngăn chặn gia cầm lậu tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều cơ quan đề nghị cần có cơ chế, chính sách phối hợp nhịp nhàng cũng như phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương. Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, cho rằng chỉ khi nào cuộc chiến chống gia cầm nhập lậu nhận được sự quan tâm, kiểm soát liên tục của các bộ ngành, địa phương thì tình hình mới được ngăn chặn.
Theo ông Bình, muốn diệt tận gốc gà lậu không thể chỉ tập trung vào chợ Hà Vĩ mà phải “đánh” mạnh vào cả khu vực biên giới lẫn nơi tiêu thụ. “Địa phương nào cũng phải có điểm tập kết, tiêu thụ nên rất dễ nhận biết vì không phải cái kim sợi chỉ mà giấu được. Do vậy, đề nghị các địa phương phải thực sự vào cuộc, quan tâm chỉ đạo”- ông Bình nói.
Nhiều người cho rằng, gà nhập lậu tràn vào nước ta bất chấp lệnh cấm là do lợi nhuận lớn. 1kg gà thải loại ở Trung Quốc chỉ 15.000 - 25.000 đồng/kg, đưa về đến chợ Hà Vĩ đã có giá 70.000 - 72.000 đồng/kg, chênh lệch quá cao. Cái khó là gia cầm lậu đưa vào nội địa được hợp thức hóa, rồi đưa ra chợ bày bán như gà nội địa nên người tiêu dùng không thể nào phân biệt được. Do nhập lậu, không được kiểm tra thú y nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây nguy hại cho cả người tiêu dùng lẫn yêu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với chăn nuôi trong nước.
Trước bức xúc này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành phân tích, kiểm tra mức tồn dư của các loại hóa chất (nếu có) trong gà thải loại, đồng thời đánh giá hàm lượng dinh dưỡng của loại gà này để khuyến cáo người tiêu dùng”.
Nhất trí với các đề xuất của các cơ quan tham gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đề án ngăn chặn gia cầm nhập lậu cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quản quản lý. Theo Phó Thủ tướng, phương án ngăn chặn gà nhập lậu phải làm rõ 3 khâu: kiểm soát chặt ở biên giới như thế nào, kiểm soát hoạt động trung chuyển ra sao và cuối cùng là nơi tập kết phải làm rõ ai chịu trách nhiệm. Có như vậy mới kiểm soát và ngăn chặn được tình trạng gia cầm lậu tràn vào nước ta.
ĐH (Theo Phúc Văn-SGGPO)