Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền:

Lương tối thiểu thấp thì người lao động không có sức để làm

Cập nhật ngày: 14/06/2013 09:24:11

Chiều 13-6, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) Phạm Thị Hải Chuyền đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội (ĐBQH).

Những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm như: chính sách ưu đãi người có công, điều chỉnh lương tối thiểu và chuẩn nghèo cho sát với diễn biến lạm phát hiện nay… đã được nhiều ĐBQH thẳng thắn chất vấn.


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Hoàng Hà (nguồn: Vnexpress)

Hàng ngàn người có công chưa được hưởng ưu đãi

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, hàng ngàn người dân trên cả nước thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi với người có công theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Văn Rinh (đoàn Hải Dương), mặc dù Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2015, 100% người tham gia kháng chiến và con cháu được hưởng chính sách ưu đãi người có công, song trên thực tế có hàng ngàn người chưa được hưởng ưu đãi. Vậy trách nhiệm của Bộ về vẫn đề này ra sao và việc đẩy mạnh xét duyệt công nhận cho người có công sớm được hưởng chính sách sẽ được triển khai như thế nào? ĐB cũng đặt thêm câu hỏi, trong bối cảnh giá cả tăng cao, tiêu chí hộ nghèo chưa phù hợp, nhà nước đã hỗ trợ 70% tiền mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo nhưng nhiều đối tượng đề nghị hỗ trợ 100% tiền bảo hiểm vậy quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Trả lời chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Hải Chuyền cho biết, tiến độ xét duyệt hồ sơ với người có công được thực hiện theo Pháp lệnh ưu đãi người có công. Thời gian qua, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam để giải quyết hồ sơ tồn đọng. Tuy nhiên, để giải quyết theo đúng quy định, đối tượng được hưởng ưu đãi phải làm hồ sơ, lấy xác nhận của chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan, song vấn đề mấu chốt vẫn là người làm hồ sơ. Bộ LĐ-TBXH đã cố gắng hoàn thành trách nhiệm, tích cực chỉ đạo việc hoàn thiện hồ sơ cho người có công song nếu có sự bắt tay của cả hệ thống thì cơ bản sẽ giải quyết tốt chính sách cho những đối tượng tham gia kháng chiến và người thân của họ.

Liên quan đến chuẩn nghèo, bà Hải Chuyền cho biết, chuẩn nghèo hiện nay được thực hiện từ ngày 1/1/2011. Theo quy định này, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng. Mức thu nhập này là thấp và chưa tính tới yếu tố trượt giá. Về vấn đề này, chúng tôi tự thấy trách nhiệm phải xem xét lại chuẩn nghèo, lắng nghe để điều chỉnh tiêu chí đó sát thực tế hơn. Riêng vấn đề hỗ trợ bảo hiểm, tôi nghĩ rằng với trách nhiệm của ngành thì hỗ trợ 100% là cần thiết, và tôi đồng tình với ý kiến này.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) về việc dừng chế độ chất độc da cam với người tham gia kháng chiến và hiện tượng lập hồ sơ sai sự thật để hưởng chế độ chính sách gây bức xức trong xã hội và tổn thất cho ngân sách Nhà nước, bà Hải Chuyền cho biết, đây là vấn đề cử tri rất quan tâm. Vấn đề tạm dừng chế độ với người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ chất độc da cam, lúc trước quy định hồ sơ chỉ 2 người xác nhận là được hưởng ưu đãi nên tình trạng khai man nhiều. Vì vậy, từ tháng 5-2011, Bộ đã có văn bản xem xét tạm dừng vấn đề đó và tổ chức thanh tra các hồ sơ có dấu hiệu sai phạm. Bộ cũng đã yêu cầu cơ quan điều tra xem xét vi phạm và khởi tố những đối tượng vi phạm. Theo báo cáo, các tỉnh đã thanh tra trên 1.400 cuộc và thu hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Đã cân nhắc khi điều chỉnh lương tối thiểu

Liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu, ĐB Trần Thanh Hải (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi Nghị định 103 về điều chỉnh lương tối thiểu vùng chỉ có 26 ngày thực hiện với mức điều chỉnh thấp vậy, ý kiến của bộ trưởng về vấn đề này ra sao? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo quy định của Chính phủ, lương cho khối hành chính sự nghiệp thì do Bộ Nội vụ trực tiếp xây dựng triển khai, lương cho khối DN thì do Bộ LĐ-TB-XH thực hiện. Theo phân công trách nhiệm, Bộ LĐ-TB-XH đã xây dựng lộ trình về tăng lương tối thiểu để làm cơ sở cho DN trả lương cho người lao động. Năm 2012, cũng đã thực hiện chương trình đó. Khi ban hành mức lương tối thiếu theo 4 vùng, mức cao nhất là trên 2 triệu đồng thì cũng có 2 luồng ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, qui định mức lương như vậy thì mới đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, qui định như vậy là không chia sẻ với DN, trong lúc DN khó khăn lại đưa ra lương tối thiểu như vậy càng làm cho DN khó khăn.

Tuy nhiên, theo bà Hải Chuyền, lộ trình quy định 4 vùng lương tối thiểu và phù hợp. Người lao động cũng trên cơ sở đó chia sẻ với DN. DN cũng phải có trách nhiệm chia sẻ và nếu DN không có người lao động thì cũng không phát triển được. Thực tế có khó khăn nhưng các DN có thể vượt được. Nhưng người lao động nếu không có đồng lương tối thiểu, qui định đồng lương tối thiểu thấp thì người ta không có sức để làm cho DN. “Lộ trình như vậy là hợp lý. Mức chúng tôi đề cập cao hơn nhưng cũng cân nhắc, trong lúc tình hình khó khăn, các DN phải sắp xếp lại thì có nên đặt ra không? Cuối cùng Chính phủ quyết định vẫn phải có lương tối thiểu và lộ trình điều chỉnh”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo HNMO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn