Ngân hàng Chính sách Xã hội - điểm tựa cho người nghèo
Cập nhật ngày: 15/04/2013 16:57:31
Trong 10 năm qua, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Sáng 15/4, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động (giai đoạn 2003-2012). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Hội nghị.
Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH
Qua 10 năm xây dựng và phát triển, tính đến ngày 31/12/2012, tổng dư nợ của Ngân hàng đạt 113.921 tỷ đồng. Hơn 97% dư nợ của Ngân hàng tập trung vào 6 chương trình tín dụng chủ yếu, trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo vẫn là chương trình lớn nhất, chiếm tỷ trọng 36,5%; tiếp đến là chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (chiếm 31,4%); chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (11,3%); chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (9,3%); chương trình cho vay giải quyết việc làm (5%).
Cũng trong 10 năm qua, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, qua đó góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 88.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 484.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 98.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động động có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, với tư duy và cách làm sáng tạo, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta. Mô hình này đã củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa Ngân hàng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội từ trung ương tới địa phương, gắn bó với người dân thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị-xã hội thành lập (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…).
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng của Nhà nước, đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, NHCSXH phấn đấu thực hiện 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%; đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn quy trình nghiệp vụ; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tính dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Chinhphu.vn