Quản lý phân bón - Bất cập!

Cập nhật ngày: 17/09/2013 10:48:42

Phân bón là mặt hàng chiến lược, đóng góp trên 30% hiệu quả sản xuất các loại cây trồng. Cùng với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chiếm chi phí cao nhất trong giá thành sản phẩm. Cho dù có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng trên thực tế việc quản lý mặt hàng này còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất, tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tiếp tục diễn ra, gây thiệt hại không nhỏ đối với nông dân.

Hiện nay cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất và trên 30.000 cơ sở kinh doanh phân bón, danh mục phân bón trên 5.000 loại sản phẩm khiến cơ quan chuyên môn chỉ việc tra cứu tên sản phẩm rất vất vả. Bên cạnh ngày càng nhiều nhà máy được đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại nhất nhưng vẫn còn rất nhiều cơ sở sử dụng công nghệ lạc hậu, nhân lực rất hạn chế. Tình trạng làm ăn chụp giựt, thay tên đổi họ liên tục, sản xuất, kinh doanh hàng chất lượng thấp, hàng nhái, giá rẻ. Có nơi chỉ vài công nhân với cuốc, xẻng để phối trộn, có cả gạch non nghiền nhỏ, muối và màu... pha trộn xong, đóng bao bán ra thị trường. Đây là hậu quả của việc quy định quản lý chất lượng phân bón hiện hành chưa rõ ràng, việc xử phạt chưa mang tính răn đe; chưa phân biệt rõ đâu là phân bón kém chất lượng và hành vi sản xuất phân bón giả. Quy định hàm lượng dinh dưỡng dưới 50% là phân bón giả, nhưng trên 50% lại có sự đánh đồng là kém chất lượng dù chỉ đạt là 55% hay đạt tới 99% và mức xử phạt gần như nhau. Đây là kẽ hở bị lợi dụng. Vì vậy, dù tốc độ sản xuất phân bón tăng 42% - 50% từ năm 2000 đến nay nhưng về chất lượng vẫn chưa thể đồng đều.

Bất cập hiện nay là tình trạng “cha chung”. 3 bộ cùng quản lý phân bón là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Khoa học - Công nghệ, nhưng chưa phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm chính và được chỉ định theo ngành dọc ở địa phương về quản lý phân bón. Vì thế, mỗi địa phương giao việc quản lý cho các cơ quan khác nhau như Phòng Trồng trọt hay Thanh tra Sở NN-PTNT, có tỉnh giao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản hoặc Chi cục Bảo vệ thực vật… Đó là chưa nói đến việc kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng. Cần sớm thống nhất việc quản lý cũng như xem đây là ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Cơ sở phải có đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, cả về con người, kho hàng bảo quản đúng chuẩn của Việt Nam hay Hiệp hội Công nghiệp sản xuất phân bón thế giới (IFA), nếu không ngay tại kho hàng đã giảm chất lượng. Ngay cả người kinh doanh cũng phải có sự hiểu biết nhất định. Nhưng trước hết cần phải quản lý chặt chẽ chất lượng phân bón ngay từ đầu nguồn là nơi sản xuất.

ĐĂNG LÃM/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn