Rà soát, lồng ghép chính sách an sinh xã hội
Cập nhật ngày: 13/12/2013 04:59:42
Chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP về chính sách an sinh xã hội (Ban Chỉ đạo), sáng 12/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, thời gian tới cần tập trung tiến hành rà soát, xem xét lồng ghép các chương trình an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Xây dựng thực hiện chính sách
phải tính đến yếu tố khả thi". Ảnh: VGP/Minh Khôi
Ý nghĩa từ những con số
Đánh giá tổng quát của Ban Chỉ đạo cho biết dù điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn song trong giai đoạn 2012-2013, Chính phủ vẫn dành nguồn lực ưu tiên cho đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) như: Chính sách ưu đãi người có công; tạo việc làm, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, phát triển giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế…
Cụ thể, hiện khoảng 1,6 triệu đối tượng người có công được trợ cấp hằng tháng với mức chuẩn 1.220.000 đồng; 1,9 triệu người được trợ cấp 1 lần; xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho 71.000 hộ gia đình người có công. Bên cạnh đó, có 2,1 triệu người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên (tăng khoảng 1 triệu người so với năm 2012).
Bình quân hằng năm ngân sách Trung ương chi từ 500-1.000 tỷ đồng và 40.000-60.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, đói giáp hạt… Nhiều bộ, ngành địa phương đa dạng hình thức, cách làm sáng tạo trong hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng khó khăn, đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, cháy nổ…
Nguồn lực cho các chính sách và chương trình giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng hộ cận nghèo đã đưa tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống 9,6% trong năm 2012 và dự kiến xuống còn 7,6% trong năm 2013, thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2010. Dù vậy, Báo cáo của Ban Chỉ đạo nhìn nhận giảm nghèo vẫn chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, số hộ cận nghèo còn lớn (bằng khoảng 70% số hộ nghèo).
Trong năm 2013, đã có 1,54 triệu việc làm được tạo mới, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 85.000 người. Tuy nhiên, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, kết nối cung cầu còn hạn chế. Đáng chú ý, trong giai đôạn 2012-2013, khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa/phá sản, người lao động bị mất việc làm phải di chuyển ngược về các vùng nông thôn nhưng vẫn chưa có chương trình ASXH nào hỗ trợ cho các đối tượng này.
Các chính sách giáo dục, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai, góp phần nâng cao tiếp cận giáo dục cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn.
Công tác chăm sóc y tế với các chương trình mục tiêu quốc gia giúp trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, suy dinh dưỡng giảm 15,73%, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 74 tuổi. Năm 2013 ước có trên 60 triệu người (71,2% dân số) tham gia BHYT, trong đó Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho trên 70% đối tượng tham gia.
Các thành viên chỉ đạo cũng đánh giá cao công tác đảm bảo nhà ở nhất là hiệu quả các chương trình: Thí điểm xây nhà, chòi chống lũ ở các tỉnh miền Trung; xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL; hoàn thành hàng chục dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp… Mặc dù vậy, hơn 900.000 hộ nghèo đang ở nhà tạm; 70% công nhân ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ tư nhân vẫn là một thách thức lớn.
Cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP
về chính sách an sinh xã hội, sáng 12/12. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Gom nhóm chính sách an sinh xã hội
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm nhận xét, hiện có quá nhiều văn bản chính sách về ASXH, thuộc về trách nhiệm của nhiều bộ, ngành nên khó chỉ đạo, phối hợp, lồng ghép dẫn đến nguồn lực đầu tư còn dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai chia sẻ, thực tế chính quyền cấp cơ sở nhận được rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách ASXH. Nên chăng cần gộp những văn bản này lại với những tiêu chí quy định trách nhiệm của chính quyền, của người dân, của các ngành… trong thực hiện ASXH tổng thể?
Nhiều ý kiến tại cuộc họp đề xuất một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Ban Chỉ đạo trong giai đoạn 2014-2015 là đẩy mạnh việc rà soát, xem xét lại các văn bản chính sách ASXH, loại bỏ các nội dung chồng chéo, trùng lắp, trên cơ sở đó tiến hành nhóm, thu gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện cũng như hoạt động giám sát quá trình này .
Đánh giá việc thực hiện chương trình, chính sách ASXH 1 năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng kết quả không chỉ ở các con số, mà còn thể hiện qua những đổi mới trong cách thức triển khai, thực hiện.
Thời gian qua, nhiều bộ, ngành đã từng bước thực hiện lồng ghép các chương trình ASXH với sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể xã hội… tăng hiệu quả hỗ trợ cho người dân ở những vùng khó khăn. Tuy nhiên, báo cáo của Ban Chỉ đạo nhìn nhận vẫn còn tình trạng một số chính sách được phê duyệt có nội dung chồng chéo, trùng lặp với nhiều đầu mối quản lý, chỉ đạo và điều hành.
Đồng ý với đề xuất của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong năm 2014, các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cần tiến hành rà soát toàn bộ chính sách ASXH trong phạm vi chức năng của mình, từ việc thực hiện chính sách cũ đến ban hành chính sách mới, loại bỏ được chính sách nào không còn phù hợp. Đồng thời sử dụng cơ cấu tư vấn, đặt hàng tư vấn với các viện nghiên cứu để phát hiện, đề xuất hướng kết hợp, lồng ghép các khâu trong những chương trình ASXH khác nhau một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục triển khai, thực hiện các đề án, chính sách đã được ban hành; hoàn thành 7 đề án chưa được triển khai trong kế hoạch 2013 và các đề án và nhiệm vụ được nêu lên trong năm 2014 tập trung vào một số lĩnh vực chính: Ưu đãi người có công; đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giáo dục; y tế; nhà ở; nước sạch…
Minh Khôi (Chinhphu.vn)