Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh: Tái khẳng định sự cần thiết sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong

Cập nhật ngày: 06/04/2014 08:02:27

Ngày 5-4, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế, lãnh đạo Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan đã xem xét thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện nước chủ nhà, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên đọc Tuyên bố chung. Tuyên bố một lần nữa nhấn mạnh các quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc thủ tục thông báo, tham vấn trước và thoả thuận (PNPCA) nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các dự án phát triển tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong, bảo đảm việc sử dụng và quản lý nguồn nước sông phải bền vững.


Cư dân châu thổ sông Cửu Long nuôi cá bè. Ảnh: Hoàng Thạch

Mức độ suy thoái dòng sông Mekong rất nghiêm trọng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sở dĩ phải đảo đảm việc sử dụng và quản lý nguồn nước bền vững vì chưa bao giờ lưu vực sông Mekong đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Nhu cầu gia tăng về tài nguyên cho các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có nhu cầu năng lượng và lương thực đã tạo nên áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan và môi trường sinh thái trong lưu vực sông. Hiện lưu vực sông Mekong đã trở thành một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Dòng chảy trung bình năm của sông Mekong tại trạm Chiềng Sen, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đã giảm 10% trong vòng 30 năm qua. Ở Lào, sông Mekong đoạn chảy qua thủ đô Viêng Chăn mười năm qua khô hạn đến mức người ta có thể lội qua sông trong mùa khô. Ở Thái Lan, sông Chao Phờ-ray-a vốn hiền hòa đã xảy ra lũ lớn, gây ra thảm họa lũ lụt quốc gia trong nhiều tháng liền trong năm 2011. Ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu, Châu Đốc tỉnh An Giang và là điều chưa bao giờ xảy ra trước đây. Những tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn, cấp thiết hơn trong bối cảnh các quốc gia ven sông tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo số liệu tính toán cho các kịch bản về biến đổi khí hậu, khi kịch bản tồi tệ nhất xảy ra thì trong vòng 100 năm tới nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao 1 mét, làm mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số của Việt Nam.

5 giải pháp cần thực hiện

Trước thực trạng đáng lo ngại trên, từ năm 1995, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã không ngừng phát triển và đạt được những thành quả quan trọng. Trong đó có việc xây dựng những nguyên tắc cơ bản và tầm nhìn chiến lược về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong. Cho đến nay, đã có 78 trong tổng số 130 hoạt động của kế hoạch hành động vùng đã được triển khai thực hiện. Trong đó hơn 30% dự án đã hoàn thành. Tuy nhiên, như nhiều ý kiến đã nêu tại hội nghị quốc tế vừa diễn ra cho thấy, cần thiết phải có sự nỗ lực, sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nước trong Ủy hội sông Mekong để cùng nhau sử dụng và phát triển bền vững dòng sông Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra 5 vấn đề cần thiết để đạt được mục tiêu trên. Cụ thể, cần tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 cũng như các thủ tục, quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước. Trong đó, có thủ tục thông báo, tham vấn trước và thoả thuận (PNPCA) nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các dự án phát triển tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong; cập nhật và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước thông qua việc thực hiện các kế hoạch hành động của quốc gia và vùng. Trong quá trình xây dựng Kế hoạch chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2016 – 2020, cân nhắc áp dụng cách tiếp cận mới về mối liên kết nước - năng lượng - lương thực trong quy hoạch phát triển lưu vực với tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo của ủy hội, trong đó tập trung và ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành nghiên cứu chung của về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm cả nghiên cứu các tác động từ các dự án thủy điện dòng chính; tăng cường hơn nữa vai trò giám sát và điều phối của ủy hội trong triển khai thực hiện cam kết của các nước thành viên về hợp tác quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước chung sông Mekong vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực. Đồng thời, cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện các cơ chế pháp lý khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển bền vững, công bằng và hợp lý tài nguyên nước; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác giữa ủy hội và các nước đối tác, khuyến khích sự tham gia và tham vấn giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực vì sự phát triển bền vững của lưu vực.

Ưu tiên cho 6 hành động

Những người đứng đầu Chính phủ mong muốn Ủy hội sông Mekong quốc tế tập trung và ưu tiên cho 6 hành động sau:

1. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế về “phát triển và quản lý bền vững sông Mekong bao gồm những tác động của các công trình thủy điện dòng chính”, có sự phối hợp nghiên cứu do Việt Nam đề xuất để đưa ra các khuyến cáo và các khuyến nghị phù hợp cho sự phát triển bền vững trong lưu vực.

2. Rà soát cập nhật và thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước và kế hoạch chiến lược 2011 - 2015; chuẩn bị và thực hiện kế hoạch chiến lược 2016 - 2020 của ủy hội, góp phần định hướng phát triển hiện nay và trong tương lai của lưu vực.

3. Phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro đối với hệ sinh thái sông, an ninh lương thực, sinh kế và chất lượng nước do gia tăng hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi cũng như thủy điện, giao thông thủy và các hoạt động phát triển khác trong lưu vực. Đồng thời nhận thức rằng, các tác động của biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng các thách thức này.

4. Tiếp tục tăng cường hiệu quả thực hiện các thủ tục của Ủy hội sông Mekong quốc tế nhằm hỗ trợ thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995; Cam kết thực hiện hiệu quả các thủ tục của ủy hội nhằm đạt được các mục tiêu của hiệp định.

5. Tìm kiếm và xác định các cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác, đối thoại, các đối tác phát triển hiện tại và các đối tác mới cũng như các sáng kiến hợp tác các khu vực và quốc tế.

6. Tiếp tục thực hiện các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai trong lưu vực do lũ lụt, hạn hán và tác động nước biển dâng; giám sát và thực hiện các giải pháp duy trì chất lượng nước tốt trong lưu vực sông Mekong.

Đề nghị Lào tạm hoãn xây dựng đập thủy điện Dong Sahong

Sau khi kết thúc hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang đã có cuộc họp báo nhanh với các phóng viên trong và ngoài nước. Hai nội dung chính được các nhà báo xoáy mạnh là làm thế nào để giải quyết được mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường lưu vực sông Mekong khi giữa các nước trong ủy hội sông đã có nhiều hiệp định ký kết. Trong đó, đã cùng cam kết phát triển các công trình trên hệ thống lưu vực sông Mekong dòng chính không gây ra những tổn hại cho những nước láng giềng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, nhiều nước vẫn chọn lợi ích kinh tế, xây dựng những công trình gây quan ngại và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường của các nước lân cận bất chấp sự lên tiếng đề nghị cần nghiêm túc thực hiện các cam kết trước đó.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, không chỉ Việt Nam mà tất cả người dân sống khu vực hạ lưu sông Mekong và các đối tác phát triển đều rất quan tâm đối với việc bảo vệ sông Mekong. Với những nước đang phát triển, nhu cầu phát triển để xóa đói giảm nghèo là rất chính đáng. Tuy nhiên, không thể hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Trong Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo cấp cao các nước thành viên đã đồng thuận cho rằng, việc khai thác tài nguyên nước đóng góp lớn cho vấn đề phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng gây ra những quan ngại tác động lớn đến môi trường. Chính vì vậy, lãnh đạo cấp cao 4 nước đã chỉ đạo cần phải tăng cường chia sẻ thông tin, thực hiện đầy đủ tất cả thủ tục mà 4 nước thành viên đã thông qua. Mọi quyết định xây dựng những công trình trên lưu vực sông Mekong nhánh chính phải dựa trên những cơ sở khoa học vững chắc, thông tin số liệu chính xác. Riêng trong hội nghị lần này, không chỉ 4 nước thành viên mà các đối tác phát triển đã đề nghị cần áp dụng quy định PNPCA không chỉ cho các công trình được xây dựng trên dòng chính và cả dòng nhánh lưu vực sông Mekong để tăng cường tính bền vững cho dòng sông.

Về việc xây dựng công trình thủy điện Dong Sahong và Xayaburi, Việt Nam và Campuchia cũng như ủy hội đã được Chính phủ Lào thông báo. Tuy nhiên, căn cứ theo Hiệp định Mekong 1995, Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Lào cần thực hiện tham vấn từ những nước trong ủy hội vì công trình này nằm trên dòng chính sông Mekong. Ngoài ra, Lào cần tạm hoãn xây dựng công trình cho đến cuối năm 2015, khi Việt Nam có kết quả nghiên cứu về những tác hại mà đập thủy điện có thể gây ra cho hệ sinh thái dòng sông Mekong, cũng như những ảnh hưởng của nó đến đời sống của hơn 60 triệu người dân đang sống dựa vào dòng sông này. Nghiên cứu này hiện do Việt Nam chủ trì cùng với sự tham gia của Lào và Campuchia và sẽ là cơ sở vững chắc để đưa ra những kiến nghị cần thiết cho việc có nên xây dựng những đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong hay không.

Ưu tiên cho 6 hành động

Những người đứng đầu Chính phủ mong muốn Ủy hội sông Mekong quốc tế tập trung và ưu tiên cho 6 hành động sau:

1. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế về “phát triển và quản lý bền vững sông Mekong bao gồm những tác động của các công trình thủy điện dòng chính”, có sự phối hợp nghiên cứu do Việt Nam đề xuất để đưa ra các khuyến cáo và các khuyến nghị phù hợp cho sự phát triển bền vững trong lưu vực.

2. Rà soát cập nhật và thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước và kế hoạch chiến lược 2011 - 2015; chuẩn bị và thực hiện kế hoạch chiến lược 2016 - 2020 của ủy hội, góp phần định hướng phát triển hiện nay và trong tương lai của lưu vực.

3. Phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro đối với hệ sinh thái sông, an ninh lương thực, sinh kế và chất lượng nước do gia tăng hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi cũng như thủy điện, giao thông thủy và các hoạt động phát triển khác trong lưu vực. Đồng thời nhận thức rằng, các tác động của biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng các thách thức này.

4. Tiếp tục tăng cường hiệu quả thực hiện các thủ tục của Ủy hội sông Mekong quốc tế nhằm hỗ trợ thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995; Cam kết thực hiện hiệu quả các thủ tục của ủy hội nhằm đạt được các mục tiêu của hiệp định.

5. Tìm kiếm và xác định các cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác, đối thoại, các đối tác phát triển hiện tại và các đối tác mới cũng như các sáng kiến hợp tác các khu vực và quốc tế.

6. Tiếp tục thực hiện các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai trong lưu vực do lũ lụt, hạn hán và tác động nước biển dâng; giám sát và thực hiện các giải pháp duy trì chất lượng nước tốt trong lưu vực sông Mekong.

Đề nghị Lào tạm hoãn xây dựng đập thủy điện Dong Sahong

Sau khi kết thúc hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang đã có cuộc họp báo nhanh với các phóng viên trong và ngoài nước. Hai nội dung chính được các nhà báo xoáy mạnh là làm thế nào để giải quyết được mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường lưu vực sông Mekong khi giữa các nước trong ủy hội sông đã có nhiều hiệp định ký kết. Trong đó, đã cùng cam kết phát triển các công trình trên hệ thống lưu vực sông Mekong dòng chính không gây ra những tổn hại cho những nước láng giềng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, nhiều nước vẫn chọn lợi ích kinh tế, xây dựng những công trình gây quan ngại và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường của các nước lân cận bất chấp sự lên tiếng đề nghị cần nghiêm túc thực hiện các cam kết trước đó.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, không chỉ Việt Nam mà tất cả người dân sống khu vực hạ lưu sông Mekong và các đối tác phát triển đều rất quan tâm đối với việc bảo vệ sông Mekong. Với những nước đang phát triển, nhu cầu phát triển để xóa đói giảm nghèo là rất chính đáng. Tuy nhiên, không thể hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Trong Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo cấp cao các nước thành viên đã đồng thuận cho rằng, việc khai thác tài nguyên nước đóng góp lớn cho vấn đề phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng gây ra những quan ngại tác động lớn đến môi trường. Chính vì vậy, lãnh đạo cấp cao 4 nước đã chỉ đạo cần phải tăng cường chia sẻ thông tin, thực hiện đầy đủ tất cả thủ tục mà 4 nước thành viên đã thông qua. Mọi quyết định xây dựng những công trình trên lưu vực sông Mekong nhánh chính phải dựa trên những cơ sở khoa học vững chắc, thông tin số liệu chính xác. Riêng trong hội nghị lần này, không chỉ 4 nước thành viên mà các đối tác phát triển đã đề nghị cần áp dụng quy định PNPCA không chỉ cho các công trình được xây dựng trên dòng chính và cả dòng nhánh lưu vực sông Mekong để tăng cường tính bền vững cho dòng sông.

Về việc xây dựng công trình thủy điện Dong Sahong và Xayaburi, Việt Nam và Campuchia cũng như ủy hội đã được Chính phủ Lào thông báo. Tuy nhiên, căn cứ theo Hiệp định Mekong 1995, Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Lào cần thực hiện tham vấn từ những nước trong ủy hội vì công trình này nằm trên dòng chính sông Mekong. Ngoài ra, Lào cần tạm hoãn xây dựng công trình cho đến cuối năm 2015, khi Việt Nam có kết quả nghiên cứu về những tác hại mà đập thủy điện có thể gây ra cho hệ sinh thái dòng sông Mekong, cũng như những ảnh hưởng của nó đến đời sống của hơn 60 triệu người dân đang sống dựa vào dòng sông này. Nghiên cứu này hiện do Việt Nam chủ trì cùng với sự tham gia của Lào và Campuchia và sẽ là cơ sở vững chắc để đưa ra những kiến nghị cần thiết cho việc có nên xây dựng những đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong hay không.

Theo Ái Vân/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn