sóng hát

Cập nhật ngày: 14/09/2015 04:50:27

Với biển, tôi có ít nhiều kỷ niệm. Dẫu vui, dẫu buồn, đều đẹp - khi sóng hát khúc nhân sinh...

1. Dân miệt đồng thứ thiệt, mãi tới những năm lên thành phố học tôi cũng chưa biết thực sự biển ra làm sao. Một bữa, chớm hè, buột miệng kể cho người bạn thành phố nghe điều này. Bạn dòm, ánh cười coi bộ không tin lắm.

Rồi mấy hôm sau cả nhóm nhà quê ký túc xá được đi Vũng Tàu. Bạn âm thầm thu xếp cho chuyến đi đó. Biển vỡ oà trong tôi, trong bạn bè bao điều mới mẻ. Những hạt cát mịn tan dưới chân trần. Những cuộn sóng lúc ồn ã, khi dịu êm mơn trớn. Những cơn gió mặn nồng bất tận bám miết thịt da rám nắng. Những con tàu phía cuối tầm nhìn trời nước trong nhau. Bản hòa khúc phi lao miệt mài, bất tận. Một bình minh dung dăng nhật nguyệt trùng khơi. Một lửa trại lách tách hồng than, rộn ràng ghi ta, rền vang giọng quen ngào ngọt.

Nhớ. Đầy ắp thân ái, sẻ chia của một thời thanh xuân trong trẻo, tin yêu, hồn hậu. Ba năm sau, bạn về với vĩnh hằng. Chuyến ra đi đơn độc và đột ngột. Ngày ấy, bè bạn tản mác muôn phương. Cuộc trở về thành phố vội vã để ngưng đọng lời tiễn đưa. Chảy tràn sóng mắt. Sau này, mỗi lần trở lại Thùy Vân, tôi vẫn hay ngồi trước biển một mình. Cố tìm trong lời phi lao điệu cười giòn tan của bạn...

2. Một dịp, tôi được đến với Côn Đảo. Hải trình dài nhất mà tôi trải nghiệm cũng khá lâu rồi. Thấy yêu thêm biển và Tổ quốc mình.

 Tôi đến Côn Đảo vào lúc biển khép xanh một ngày, nhường cho lung linh ngàn sao trở giấc. Con đường từ cầu cảng về trung tâm huyện đảo mang vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Điện sáng trên những lối qua ngoằn ngoèo tạo cho tôi cảm giác như không hề có sự cách trở nào với đất liền. Vậy mà nơi đây từng được ví như địa ngục trần gian suốt hàng trăm năm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Đêm Côn Đảo thật tĩnh lặng. Sóng biển rì rầm lúc nhặt, lúc khoan từ phía xa nghe như tiếng vọng của hồn thiêng sông núi. Trải qua 113 năm (1862-1975), Côn Đảo đã thấm đẫm máu xương của hơn hai vạn người đã ngã xuống. Cầu tàu 914 là nơi có ít nhất 914 người đã mất đi khi xây dựng công trình. Ma Thiên Lãnh là nơi hơn 350 người đã chết vì sự tra tấn dã man... Tại nghĩa trang Hàng Dương có 1.912 ngôi mộ được tìm thấy, nhưng đã có hơn ngàn ngôi mộ liệt sỹ vô danh. Dường như sóng miệt này thẫm xanh hơn những vùng biển khác. Thiên thu sóng biếc bền bỉ kể về quá khứ, về khát vọng an yên...

3. Sau này, tôi có thêm dịp đó đây cùng biển. Hạ Long kỳ vĩ, biển miền Trung nắng vàng cát trắng, biển miền Tây quánh đặc phù sa bãi bờ. Đến chóng vánh, đi vội vàng. Thế nên chưa cảm nhận và lắng nghe được lời sóng tự tình.

Mấy nay, tôi lại thổn thức với một miền biển lạ xa khác, bên ngoài đất nước. Đó là câu chuyện về cậu bé dạt trôi vào bờ biển Bodrum, Thổ Nhỹ Kỳ. Đã có sự liên tưởng hình ảnh cậu bé với hình ảnh cô bé nạn nhân bom napalm trong chiến tranh Việt Nam. Thông điệp về lòng nhân ái có sức mạnh và sự tỏa lan nhanh chóng. Đói nghèo, xung đột sắc tộc và chiến tranh chưa bao giờ thôi ám ảnh loài người. Những nỗ lực bền bỉ của nhân loại vẫn đang còn ở phía trước, còn với ước mong. Biển đã mang cậu bé Aylan Kurdi, anh trai và mẹ về miền đất hứa vĩnh hằng. Nhiếp ảnh và truyền thông lại một lần nữa đánh thức lương tri con người trên hành tinh được bao phủ hơn bảy mươi phần trăm là đại dương.

Bây giờ đang thu, mùa của trẻ con xênh xang áo mới đến trường. Những miền biển nắng gió, miệt đồng xa xôi, miền núi cách trở, chắc còn nhiều trẻ em thiếu thốn, vất vả trên hành trình đến lớp. Cả xã hội trăn trở và chung tay, chung lòng phấn đấu nhiều hơn cho cuộc sống và cho trẻ em nước mình. Hạnh phúc của trẻ thơ luôn là mục tiêu của toàn nhân loại.

Sóng đại dương bao la xô nhau lớp lớp không ngừng. Với nhân loại, tôi vẫn hằng mong sóng hát khúc an yên mãi thôi. Biển hãy long lanh ký ức những “cánh buồm đỏ thắm” trong tâm hồn con trẻ muôn nơi...

NGUYỄN PHẠM ĐÌNH THẢO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác