“Ca sĩ kẹo kéo”

Cập nhật ngày: 07/12/2012 05:57:27

Đêm, tại các quán nhậu, trong khi khách cùng nhau “chén chú chén anh”, thỉnh thoảng ở vỉa hè có người bán kẹo kéo say sưa bên “dàn nhạc” của mình. Không ai làm giàu từ việc mượn lời ca rong ruổi mưu sinh, nhưng dù sao nghề này cũng cho thu nhập khá và hơn hết được thể hiện niềm đam mê ca hát.


Anh Nguyễn Tống Hoằng hát bên xe kẹo kéo

“Và để đỡ mất thời gian, anh em kẹo kéo chúng em xin trình bày ca khúc được mang tên...” là câu chào khách theo thói quen của các “ca sĩ”. Chỉ sau câu chào, khách nhậu hướng mắt về người thanh niên đứng cạnh bên chiếc xe kẹo và dàn âm thanh tự chế. Anh Trần Nhựt Trường (quê xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) - khách nhậu tại quán H. nằm trên đường Ngô Thời Nhậm, phường 1, thành phố Cao Lãnh cho biết: “Sau khi nghe hát, tôi và những người bạn mua một vài cây kẹo ủng hộ, chất giọng của những người bán kẹo hát nghe cũng khá lắm”.

Bộ đồ nghề gồm bình ắc quy, thùng loa, âm-li, đầu đĩa và micrô trị giá khoảng 8 triệu đồng để trên chiếc xe gắn máy, mỗi ngày anh Nguyễn Tống Hoằng (SN 1986) quê xã Nhơn Hội, huyện An Phú (tỉnh An Giang) đến khắp các quán nhậu trên địa bàn thành phố Cao Lãnh để hát phục vụ khách và bán kẹo. Anh Hoằng tâm sự: “Mình thấy mình hát được, mọi người cũng khen chất giọng nên mình chọn nghề này. Lâu dần hát ghiền hồi nào không hay. Ngày nào còn bán kẹo kéo được thì ngày đó mình tiếp tục đi hát”.

Không phải lúc nào chuyện làm ăn của anh Hoằng cũng suôn sẻ. Anh cho biết cũng không ít lần đang hát thì có người say rượu đến kiếm chuyện nhưng vì mưu sinh nên anh không chấp nhất. “Cũng có khi hát xong mấy bài liên tiếp, thấy khách im lặng ngồi nghe nhưng khi mình mang kẹo đến thì khách không mua. Sau đó mình tiếp tục lên xe đi quán khác hát” - Anh Hoằng chia sẻ.

Không chỉ hát phục vụ khách, những người bán kẹo kéo đôi khi còn được đề nghị hát chung với khách hoặc đứng điều chỉnh âm thanh, chọn bài cho khách hát. Ngoài việc hát tại các quán nhậu, đôi khi “ca sĩ kẹo kéo” còn được khách quen gọi điện thoại mời về tận nhà để phục vụ. Anh Nguyễn Tống Hoằng cho biết, đám cưới, đám giỗ hay thôi nôi, đầy tháng... khi được gọi anh cũng đến hát.

Gần đây, nhiều người tổ chức tiệc nhậu tại nhà riêng cũng điện mời anh đến hát văn nghệ cho vui, sau đó mọi người mua kẹo ủng hộ. Riêng tại các quán nhậu, cứ từ 17 giờ 30 phút đến 22 giờ mỗi đêm, anh hát trên chục bài tân nhạc, vọng cổ. Những bài nhạc anh hát đều là dòng nhạc trữ tình. Hàng đêm hát phục vụ tại các quán nhậu anh bán được khoảng 400 cây kẹo kéo, thu nhập trên 100 ngàn đồng.

Trong cuộc mưu sinh có cả buồn vui và cơ cực, nhưng hơn hết các “ca sĩ” không chuyên này cũng tìm được một công việc nhất định và góp cho đời những niềm vui từ lời ca tiếng hát.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn