Ấn tượng nhà vệ sinh công cộng do Sacombank đầu tư

Cập nhật ngày: 11/07/2012 07:31:12

Đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), chi nhánh Đồng Tháp đưa vào phục vụ miễn phí nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), tại ngã tư đường Nguyễn Huệ - Nguyễn Trãi (TPCL). Hiện mỗi ngày có hàng chục người vào nhà vệ sinh này sử dụng và ai cũng có ấn tượng tốt bởi chất lượng cao, văn minh, lịch sự.

Anh Lê Thành Long, ở thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh), bộc bạch: “Lần đầu tiên tôi vào nhà vệ sinh chất lượng cao, lại miễn phí, tôi thật sự bất ngờ và thầm cám ơn Sacombank đã đầu tư một công trình thật sự ý nghĩa. Lần hai, tôi đi cùng với một người bạn ở TP.HCM và bạn tôi còn ngạc nhiên hơn tôi vì giữa lòng đô thị mà có một nhà vệ sinh rất đẹp, có nhân viên trực, lại miễn phí”.

Công trình NVSCC này kết hợp với máy ATM, có chi phí đầu tư trên 750 triệu đồng. Đây là công trình thứ sáu mà Sacombank xây dựng trong toàn quốc và là công trình thứ hai ở khu vực ĐBSCL. Thời gian phục vụ từ 6 đến 21 giờ, có 2 người chia thành 2 ca trực trong thời gian mở cửa. Sacombank xây dựng NVSCC miễn phí nhằm góp phần với địa phương trong xây dựng nét văn minh đô thị, đồng thời tạo sự đột phá, khác biệt trong cách thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Sacombank đối với cộng đồng. Ở một góc độ khác, NVSCC của Sacombank thể hiện thiết thực, góp phần nâng cao ý thức của nhiều người về giữ gìn vệ sinh chung, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Ông Trần Minh Sơn - Giám đốc Sacombank, chi nhánh Đồng Tháp cho biết, việc đầu tư NVSCC chất lượng cao, phục vụ miễn phí là thêm một việc làm thể hiện tôn chỉ “Vì cộng đồng - Phát triển địa phương” của Sacombank. Chi phí vận hành nhà vệ sinh này gồm điện, nước, lương cho 2 người, các dụng cụ phục vụ vệ sinh, mỗi tháng trên 15 triệu đồng. Công trình dù phi lợi nhuận, nhưng công tác bảo dưỡng vẫn chú trọng như một điểm kinh doanh của Ngân hàng.

NVSCC do Sacombank đầu tư đã phục vụ nhu cầu thiết thực cho người dân. Nhiều người mong rằng sẽ có thêm nhiều NVSCC như thế không chỉ do Sacombank đầu tư mà là của nhiều ngân hàng, nhiều doanh nghiệp,... để những đô thị không còn hình ảnh người đi tiểu tiện không đúng chỗ, làm mất vệ sinh, ảnh hưởng đến văn minh đô thị.

T.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn