Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em lang thang, lao động kiếm sống
Cập nhật ngày: 28/09/2012 10:17:02
Trẻ em lang thang, lao động sớm là đối tượng trẻ em chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Hầu hết các em xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phải bươn chải để mưu sinh phụ giúp gia đình. Các em thường làm việc trong điều kiện không được an toàn, gặp nhiều rủi ro và nguy cơ có thể làm tổn hại đến trẻ. Theo khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), toàn tỉnh có gần 200 em thuộc đối tượng này và có trên 900 em có nguy cơ phải đi lang thang, lao động kiếm sống.
Tổ chức hoạt động vui chơi giải trí, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em
Thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch bảo vệ trẻ em 2011-2015, nhằm giúp đỡ cho đối tượng là trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng; trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc; trẻ em được phát hiện bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp; đồng thời giảm tỷ lệ trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại, người chưa thành niên vi phạm pháp luật hàng năm xuống.
Năm 2012, toàn tỉnh triển khai nhiều hình thức trợ giúp như: hỗ trợ dụng cụ học tập 300.000 đồng/em, trợ cấp khó khăn 900.000 đồng/em, học nghề 8.100.000 đồng/em. Trong năm 2012, toàn tỉnh có gần 800 em được hỗ trợ, giúp đỡ. Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH còn tổ chức 8 lớp tập huấn cho 270 em là trẻ em lang thang, lao động kiếm sống tại 11 xã, phường được chọn làm điểm thuộc huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, thị xã Sa Đéc và thị xã Hồng Ngự. Lớp tập huấn trang bị cho các em các kiến thức như: Các quyền cơ bản của trẻ em; những việc trẻ em không được làm; những nguy cơ và tác hại đối với trẻ em lang thang, lao động kiếm sống; các hình thức xâm hại trẻ em; trò chơi, bài hát; đặc biệt là trang bị kỹ năng sống cho các em.
Trong đó, có kỹ năng tự bảo vệ mình giúp các em rèn luyện cách ứng xử phù hợp trong mọi tình huống; có ý thức tự bảo vệ bản thân, giải quyết vấn đề khó khăn khi gặp phải mà không làm gây hại hoặc ảnh hưởng đến người khác. Từ đó, giúp các em hình thành và phát triển những nhân cách tốt sau này. Nội dung được tập huấn viên truyền tải sinh động với nhiều hình thức như: thảo luận nhóm, vẽ tranh, sắm vai, thông qua các trò chơi... tạo hứng thú cho các em. Các em tham gia tập huấn đều có những phản hồi tích cực, không chỉ làm quen với bạn mới, được vui chơi mà có thêm nhiều kiến thức bổ ích có thể áp dụng vào trong cuộc sống.
Sự quan tâm của nhà nước, chính quyền địa phương, ý thức của bản thân các em và một phần không thể thiếu đó là sự quan tâm, thương yêu, đùm bọc của ba, mẹ, người thân trong gia đình. Có như thế trẻ em mới được sống trong một môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh, được hưởng những quyền cơ bản của trẻ, góp phần đẩy lùi tình trạng trẻ em lang thang, lao động kiếm sống trên địa bàn của tỉnh trong thời gian tới.
Minh Thành