Hiệu quả các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư
Cập nhật ngày: 18/06/2024 06:04:31
ĐTO - Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Cao Lãnh phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh, huyện tại địa bàn cơ sở. Nổi bật là các mô hình tự quản của người dân ở cộng đồng dân cư gắn với các công trình, phần việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Đồng chí Võ Văn Bên - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh (thứ 3 từ trái sang) tham gia họp với Ban quản lý “Tổ Nhân dân tự quản” số 2 - ấp Tân Trường, xã Mỹ Hội
Điển hình như hoạt động của “Tổ Nhân dân tự quản” tại các xã, thị trấn trong huyện với tinh thần “tự nguyện, tự chủ, tự quản” mang lại nhiều kết quả tích cực. Toàn huyện Cao Lãnh có gần 1.900 tổ với hơn 53.600 thành viên. Các thành viên của “Tổ Nhân dân tự quản” tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của huyện và địa phương và được người dân đồng thuận, tự nguyện, tự giác tham gia tại địa bàn dân cư. Qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa; các phong trào thi đua yêu nước; khuyến học, khuyến tài; đảm bảo an ninh, trật tự. Đặc biệt, tạo sự gắn kết giữa các cấp ủy chính quyền với Nhân dân trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tương tự, mô hình Hội quán, toàn huyện Cao Lãnh hiện có 20 Hội quán với hơn 1.400 thành viên. Các Hội quán luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và hỗ trợ của các cấp chính quyền. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cao Lãnh phối hợp UBND huyện, các ngành và các xã, thị trấn tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động Hội quán và đạt nhiều kết quả tích cực. Các Ban Chủ nhiệm Hội quán có nhiều tâm huyết, tích cực, trách nhiệm, luôn tìm hướng đi mới, cách làm hiệu quả thể hiện qua đánh giá hàng năm.
Hoạt động Hội quán hỗ trợ thúc đẩy phát triển các loại hình hợp tác, kết nối cộng đồng, kết nối doanh nghiệp. Đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hiệu quả trong sản xuất, làm thay đổi nhận thức của người dân theo hướng “Tự lực, chăm chỉ, hợp tác”, giúp người dân thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện Cao Lãnh có 10 Hợp tác xã được thành lập trên nền Hội quán. Thông qua hoạt động Hội quán, người dân mạnh dạn tham gia đóng góp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.
Đáng ghi nhận, năm 2019, Ủy ban MTTQ các cấp trong huyện tham mưu cấp ủy, phối hợp UBND cùng cấp thành lập mô hình “Cà phê tự quản”. Mô hình giúp cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên, các ngành thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, gần gũi với Tổ trưởng, Tổ phó “Tổ Nhân dân tự quản”. Từ đó, giảm bớt các cuộc hội họp, tạo thêm điều kiện để Ban quản lý các “Tổ Nhân dân tự quản” mạnh dạn phát biểu ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân và chia sẻ kinh nghiệm trong công việc; đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới... để cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Đồng thời được nghe lãnh đạo Đảng ủy, UBND, MTTQ và các ngành chia sẻ thông tin về những chủ trương của địa phương, các phong trào thi đua yêu nước có liên quan đến Nhân dân...
Đồng chí Nguyễn Văn Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cao Lãnh, cho biết: “Địa phương chú trọng phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của MTTQ trong việc tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội, thực hiện đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư đến từng hộ dân trên địa bàn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 75 ngày 23/4/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. MTTQ cùng các tổ chức thành viên đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân vào tổ chức, làm phong phú thêm nội dung sinh hoạt phù hợp với tâm tư, tình cảm, điều kiện của các giai tầng trong xã hội”.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do MTTQ các cấp phát động với phương châm “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật, Nhân dân hưởng lợi thật”. Đồng thời quan tâm triển khai thực hiện thật tốt 2 chủ trương lớn là phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 13/4/2024 và Chương trình xây dựng khu dân cư “Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” được tỉnh cụ thể hóa thành Chương trình “Xóa nhà tạm” và Chương trình xây dựng khu dân cư “An ninh - An toàn - An dân”.
Dũng Chinh