Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở: còn nhiều việc phải làm
Cập nhật ngày: 29/08/2012 09:43:38
Kết quả đáng mừng
Xác định được tính chất và tầm quan trọng của công tác đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là việc chăm lo chỗ ở cho hộ nghèo, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 167 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 1, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cấp tỉnh và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thực hiện. Trong suốt thời gian thực hiện Chương trình, các đơn vị đã tổ chức triển khai tích cực với tinh thần khẩn trương cao độ, nhằm thực hiện tốt và đạt hiệu quả cao nhất chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của Thủ tướng.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình, đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng hoàn thành 11.118 căn nhà, tổng nguồn vốn thực hiện hơn 292 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch theo đề án được phê duyệt, hoàn thành sớm hơn 1 năm so với kế hoạch chung của Chính phủ. Qua đó bảo đảm hỗ trợ chỗ ở ổn định, an toàn, góp phần nâng cao đời sống hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, bao gồm các hộ gia đình có công với cách mạng, hộ gia đình là dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn,... Điều đáng mừng là trong tổng nguồn kinh phí đã thực hiện, ngoài nguồn ngân sách của Trung ương, ngân sách tỉnh, vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, còn nguồn do các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh vận động tổ chức, cá nhân tài trợ. Các khoản đóng góp từ cộng đồng, dòng tộc, gia đình là126,397 tỷ đồng, góp phần quan trọng hoàn thành và đạt kết quả tốt.
Về nhà ở, đa số đều đạt chất lượng và vượt diện tích quy định từ 32m2 trở lên, khung nhà bê tông cốt thép, mái lợp tôn, xà gồ thép, vách xây gạch hoặc gỗ, hoặc tôn. Nhiều gia đình được xét hỗ trợ nhà nhưng không có đất, đang nằm trong vùng thường xuyên bị thiên tai, sạt lở, không đảm bảo an toàn cũng được xem xét bố trí vào trong cụm, tuyến dân cư hoặc bố trí vào các khu tái định cư, đất công của địa phương hoặc vận động họ hàng dòng tộc của người được hỗ trợ nhà giúp đỡ. Nhờ đó, các hộ nghèo được an cư, ổn định cuộc sống.
Còn nhiều việc phải làm
Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 1 tuy đạt một số kết quả đáng mừng, nhưng nhìn chung việc thực hiện Chương trình này vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Công tác xét duyệt còn lúng túng nên danh sách hộ dân được hỗ trợ về nhà ở có sai sót và phải chỉnh sửa nhiều lần, một số gia đình không có đất ở nên mất nhiều thời gian để tìm địa điểm bố trí đất ở, biến động giá vật liệu xây dựng theo chiều hướng tăng, những khu vực có nước lũ ngập sâu, vào mùa lũ phải tạm ngưng thi công nên việc triển khai thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn,... Trong khi đó, theo điều tra của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh còn trên 34 ngàn hộ thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn mới, có điều kiện kinh tế khó khăn, nhà ở tạm bợ, dột nát, thậm chí không có nhà ở, hiện nay không có khả năng tạo lập được nhà ở. Qua đây cho thấy, việc giải quyết bài toán hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2 (năm 2012 - 2015) trên địa bàn tỉnh còn lắm gian nan.
Hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nhà từ
Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Kim Loan
Theo một số sở, ngành tỉnh, những khó khăn tồn tại trong giai đoạn 1 có thể lập lại trong giai đoạn 2 nếu như không kịp thời khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, rút kinh nghiệm giai đoạn 1, trong quá trình thực hiện giai đoạn 2, tỉnh cần quan tâm một số vấn đề như: quá trình bình xét cấp nhà ở cần lưu ý nên tập trung ưu tiên gia đình có công với cách mạng, hộ là người dân tộc thiểu số, hộ gia đình vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, hộ gia đình có người già yếu, bệnh tật, nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Các trường hợp có biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào chủ trương và sự cưu mang của cộng đồng, chây lười lao động sẽ xem xét hỗ trợ sau.
Tình trạng khi Đề án hỗ trợ nhà ở hộ nghèo của tỉnh đã được phê duyệt, các huyện, thị, thành vẫn nhiều lần thay đổi đối tượng như giai đoạn 1 cũng cần phải tránh. Cần tiếp tục đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo như giai đoạn 1, trong đó lưu ý phần hỗ trợ từ dòng tộc, họ hàng và bản thân hộ gia đình, vì đối tượng hộ nghèo trong giai đoạn 2 áp dụng theo tiêu chí mới và đời sống nhân dân nhìn chung đã cải thiện hơn so với những năm trước đây. Ngoài việc được hỗ trợ tiền xây nhà, hộ nghèo còn được vay tiền cất nhà để nhà được kiên cố hơn, thế nhưng theo Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, với tình hình kinh tế, giá cả vật liệu xây dựng luôn tăng như hiện nay thì tỉnh cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xét nâng mức cho vay phù hợp đối với hộ nghèo làm nhà ở,...
Hy vọng những vướng mắc có thể lập lại trong giai đoạn 1 nếu sớm được giải quyết, khắc phục thì Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2 sẽ không còn là chuyện thách thức.
H.Ng