Huyện đầu nguồn ứng phó với sạt lở
Cập nhật ngày: 24/10/2012 14:39:03
Lo toan sau sạt lở
Mấy hôm nay, tại ấp 1, xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự), người dân vẫn còn tất bật di dời, cất tạm lại những căn nhà bị ảnh hưởng do vụ sạt lở xảy ra cặp bờ sông Tiền vào sáng ngày 16/10. Vụ thiên tai đã làm 5 căn nhà của các hộ dân rơi xuống sông hoàn toàn, nhiều tài sản có giá trị như: ti vi, tủ,... cũng bị cuốn trôi. Ngoài ra, 33 căn nhà của các hộ liền kề phải tháo dỡ đến nơi an toàn, có hộ chưa cất được nhà phải ở tạm nhà người thân.
Người dân tìm những thanh gỗ còn sót lại sau vụ sạt lở ngày 16/10
5 ngày sau vụ sạt lở, gia đình bác Phạm Thị Mô, ngụ tổ 18, ấp 1 vẫn còn ở tạm nhà hàng xóm. Bác Mô cho biết, từ khi mất căn nhà 24m2 vừa cất được hơn 1 năm, trị giá trên 20 triệu đồng, không đêm nào bác ngủ yên giấc. Bác Mô bộc bạch: “Hôm đó sạt lở nứt tới trước sân nhà, chồng tôi đang bệnh nặng, mọi người kêu ông đi nhưng ông tiếc của, ngồi xếp quần áo. Mấy chú công an, bộ đội sợ ông gặp nguy hiểm đã vào khiêng ông ra ngoài. Khi chồng tôi vừa ra khỏi nhà, trong tích tắc nguyên căn nhà đổ ập xuống sông, tôi chỉ mong vớt mái nhà che mưa nắng cho vợ chồng già nhưng không được”. Một số hộ trước đây hoàn cảnh khó khăn, sau thời gian dành dụm mua được một số tài sản và đầu tư nuôi lươn, cá gần nhà nhưng vụ sạt lở vừa qua khiến họ mất trắng. Anh Huỳnh Thanh Dân nghẹn ngào cho biết: “Giờ tủ, bàn, ti vi,... vợ chồng tôi dành dụm mua được bị sạt lở làm mất hết. Bồn nuôi lươn cũng bị chìm, thiệt hại tài sản tổng cộng trên 100 triệu đồng, không biết khi nào mới kiếm lại được số tiền ấy”.
Đối với những hộ dân hiện còn nhà trong vành đai sạt lở, hàng ngày không thể yên tâm khi phải đối mặt với nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Mọi người đều mong muốn có được nền nhà để thoát khỏi nơi sạt lở càng sớm càng tốt. Anh Huỳnh Văn Bưởi, ngụ tổ 17, ấp 1 tâm sự: “Tôi lo lắm. Mảnh đất tôi đang ở gần nơi sạt lở là đất thuê lại của hàng xóm. Từ khi sạt lở đến giờ, cảm giác không yên tâm nên tôi đem gửi đồ đạt bên nhà người bà con. Ban đêm mỗi khi nằm ngủ, hạt mưa rớt tôi cũng hết hồn, lo lắng lỡ có sạt lở sao chạy ra ngoài kịp, sợ nhất là đứa con út tôi chỉ mới 6 tuổi. Tôi chỉ cầu mong sao có được một nền nhà để ở mới yên tâm làm ăn”.
Ông Nguyễn Văn Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, đối với những hộ bị ảnh hưởng sạt lở vào ngày 16/10 vừa qua, địa phương đã phối hợp với các ngành, các cấp vận động trên 20 triệu đồng hỗ trợ bà con. Cũng theo ông Lực, 2 năm gần đây, trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra sạt lở. Dự báo thời gian tới tại một số khu vực của xã tiếp tục có nguy cơ sạt lở cao vì hiện vẫn còn nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm.
Chỗ ở cho dân - nhiệm vụ cấp bách
Những năm gần đây, nhiều hộ dân sống cặp sông Tiền thuộc các xã Thường Phước 1, Long Khánh A, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Thuận thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ sạt lở. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Hồng Ngự còn trên 1.320 hộ nằm trong vành đai sạt lở phải di dời, trong đó xã Thường Phước 1 là 503 hộ. Đa số hộ đều có hoàn cảnh khó khăn, đời sống kinh tế không ổn định, chủ yếu làm thuê mưu sinh hàng ngày.
Các hộ dân cất nhà ở tạm cặp tuyến ĐT 841
Hiện tình hình sạt lở trên địa bàn huyện còn diễn biến phức tạp, số nền trên các cụm, tuyến dân cư còn rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu bố trí dân vào ở. Trước tình hình trên, UBND huyện chủ trương chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các xã xét ưu tiên các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được bố trí vào các cụm, tuyến dân cư trên cơ sở số nền hiện có. Riêng các hộ còn lại tiếp tục vận động và cam kết di dời theo hướng tự lực hoặc cất nhà ở tạm trên phần đất của người thân. Trường hợp quá khó khăn về chỗ ở, huyện vận động bố trí cặp tuyến ĐT 841 thuộc địa phận xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự. Hiện UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng thêm cụm, tuyến dân cư để bố trí dân vào ở ổn định, lâu dài.
Theo UBND huyện Hồng Ngự, đến thời điểm này địa phương đã thi công hoàn thành 2 cụm dân cư ấp Thượng và Thường Thới thuộc xã Thường Thới Tiền, còn lại cụm dân cư ấp 3, xã Thường Phước 2 thi công đạt 32%. Dự kiến sau khi hoàn thành 3 cụm này sẽ bố trí các hộ dân thuộc diện chính sách ở 2 xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 2, đồng thời xem xét đối với các hộ dân sạt lở ở xã Thường Phước 1 có nhu cầu về chỗ ở. Cũng theo UBND huyện Hồng Ngự, chủ trương của huyện đưa nhân dân nằm trong vành đai sạt lở di dời đến nơi ở mới an toàn, ổn định, tuyệt đối không để thiệt hại đến tính mạng và tài sản nhân dân.
Từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Hồng Ngự diễn biến phức tạp, có nơi sạt lở ăn sâu vào đất liền trên 20m, gây thiệt hại nhà cửa, hoa màu và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhiều hộ dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ không có đất ở. Để người dân trong vành đai sạt lở yên tâm sinh sống, làm ăn, nhiệm vụ cấp bách nhất của các ngành, các cấp hiện nay là sớm có nền nhà trên các cụm, tuyến dân cư để đưa các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở vào ở ổn định.
HỮU NGHĨA