Khắc phục sạt lở bờ kênh Cần Lố

Cập nhật ngày: 19/09/2012 16:11:58

Nhiều người dân ở xã Nhị Mỹ và Phương Trà (huyện Cao Lãnh) lo lắng trước diễn biến sạt lở bờ kênh Cần Lố, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là thời điểm sau khi thi công công trình nạo vét kênh Cần Lố hoàn thành.

Anh Trần Thanh Hùng, ngụ ấp Thanh Tiến, xã Nhị Mỹ cho biết, sau khi thi công nạo vét kênh Cần Lố đã xảy ra sạt lở nhiều đoạn 2 bờ kênh thuộc địa bàn xã Nhị Mỹ, có đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 4-7m, gây khó cho việc đi lại của người dân, nhất là đối với các em học sinh. Một người dân ngụ xã Nhị Mỹ bức xúc nói: Tình hình sạt lở bờ kênh sau khi nạo vét kênh Cần Lố không chỉ xảy ra trên địa bàn xã Nhị Mỹ mà còn diễn ra tại xã Phương Trà, có trường hợp nhà dân bị trượt lở xuống lòng kênh, rất may không thiệt hại về người.


Sạt lở bờ kênh Cần Lố thuộc địa phận xã Phương Trà cuốn mất
một đoạn đường đan nông thôn

Ông Lê Phước Lộc - Chủ tịch UBND xã Phương Trà cho biết, từ khi nạo vét kênh Cần Lố vào năm 2010 đến nay, toàn xã có gần 70 hộ bị sạt lở mất đất, có 2 hộ phải di dời nhà ở đến nơi an toàn, 2 đoạn đường đan với tổng chiều dài 110m bị sạt lở hoàn toàn. Bước đầu ngành chức năng huyện và tỉnh đã khắc phục bằng cách gia cố cừ tràm cho khoảng 40 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở, số hộ còn lại đang tiếp tục gia cố.

Trước tình hình sạt lở trên, chính quyền của 2 xã Phương Trà, Nhị Mỹ đã theo dõi tình hình sạt lở, vận động và hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm di dời nhà cửa đến nơi an toàn, vận động người dân hỗ trợ phần đất mở rộng mặt đường hoặc mở đường mới để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, Dự án kênh Đường Thét - Cần Lố, trong đó đoạn kênh Cần Lố dài 7.400m được thi công từ tháng 5/2010 và hoàn thành vào tháng 5/2011, tổng chiều dài các đoạn bị sạt lở khoảng 800m.

Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sạt lở bờ kênh Cần Lố là do địa chất đoạn kênh này kết cấu đất pha cát nên nền mềm yếu; đoạn kênh có nhiều điểm cong làm xuất hiện dòng chảy xoắn, việc nạo vét tăng lưu lượng dòng chảy qua kênh do đó sạt lở diễn ra mạnh hơn...

Trước đó, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cao Lãnh cùng địa phương thực hiện khảo sát lập phương án bồi thường và thi công khắc phục hậu quả sạt lở bờ kênh Cần Lố. Nhưng do sạt lở đến đâu thì khảo sát khắc phục đến đó, trong khi điểm sạt lở lại tiếp tục xảy ra làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Để chủ động trong việc khắc phục sạt lở bờ kênh Cần Lố, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã có ý kiến chỉ đạo giao cho UBND huyện Cao Lãnh chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT lập dự án đoạn kênh Cần Lố bị sạt lở, lập phương án khắc phục kịp thời và xử lý ổn định lâu dài; điều tra khảo sát và lập phương án hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do sạt lở gây ra. Hiện ngành chức năng tỉnh và huyện Cao Lãnh đang tích cực triển khai thực hiện các bước khắc phục sạt lở bờ kênh Cần Lố nhằm sớm ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng do sạt lở.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn