Lao động trẻ em thực trạng và giải pháp
Cập nhật ngày: 18/07/2012 14:05:45
Một trong những quyền cơ bản của trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam là quyền được học tập, vui chơi, nghỉ ngơi và giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện vẫn còn khá nhiều trẻ em đang phải làm việc vất vả, nặng nhọc, bươn chải kiếm sống với đủ thứ ngành nghề. Tình trạng trẻ em lao động sớm đang là vấn đề được dư luân xã hội quan tâm. Đây cũng là nỗi trăn trở của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, địa phương có trẻ em lao động nặng nhọc kiếm sống.
Nhọc nhằn mưu sinh
15 tuổi, em Nguyễn Hồ Minh Thoại - ngụ khóm Tân Hòa, phường An Hòa, thị xã SaĐéc đã có 3 năm đi làm phụ hồ. Vào mỗi dịp hè, Thoại phải theo ba làm phụ hồ ở nhiều nơi để kiếm tiền mua quần áo, sách vở cho năm học mới.
Nguyễn Minh Hà và Chương Văn Hóa, vất vả mưu sinh kiếm sống
Còn em Quốc Vũ, nhà ở phường 2, thị xã SaĐéc sớm phải mưu sinh kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, phế liệu. Hàng ngày, em tìm trong các thùng rác để nhặt những chai lọ phế thải bán kiếm tiền. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Vũ phải thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm, nguy hại đến sức khỏe.
Đáng buồn là có những em phải bỏ học giữa chừng để lao động kiếm sống. Đơn cử như hai em Nguyễn Minh Hà (14 tuổi) và Chương Văn Hóa (13 tuổi) cùng ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh, Lấp Vò, đều nghỉ học và đi thu mua ve chai, phế liệu. Cứ đều đặn mỗi ngày, từ 7 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa, với chiếc xe được gắn thêm chiếc thùng sắt phía trước, Hà và Vũ đạp xe hàng chục cây số thu mua sách báo cũ, phế liệu. Minh Hà cho biết, ba mẹ đã ly thân, hiện em sống cùng mẹ và anh hai. Mẹ làm nghề mua bán nhỏ, anh hai làm than thuê, bản thân em học hết lớp 5 đã nghỉ học đi làm thêm, phụ giúp gia đình.
Giống như hoàn cảnh của Minh Hà, cha em Chương Văn Hóa làm thuê tại lò sấy, mẹ ở nhà đan thúng, chị gái đi làm nem thuê cho cơ sở nem ở gần nhà. Thấy ba, mẹ và chị vất vả, Hóa xin gia đình nghỉ học đi mua ve chai, phế liệu phụ giúp gia đình. “Ban đầu em cũng thấy hơi mệt, nhưng làm riết rồi cũng quen, vả lại chẳng biết làm nghề gì khác”, Văn Hóa tâm sự.
Trên đây chỉ là một số ít trong những trường hợp trẻ lao động sớm thay vì phải được học hành, vui chơi như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác.
Ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em
Theo khảo sát của Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn tỉnh hiện có 631 trẻ em phải lao động kiếm sống với các công việc nặng nhọc không phù hợp với lứa tuổi, hơn 100 trẻ em đang làm thuê tại các cửa hàng, quán ăn và con số này lại tăng lên đột biến vào mỗi dịp hè, tập trung nhiều ở thành phố Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự, Thanh Bình, Lấp Vò và thị xã SaĐéc.
Quốc Vũ hàng ngày đi lượm ve chai, phế liệu kiếm tiền
Ngoài ra, có một số em phải làm những công việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác hay ít nặng nhọc hơn là nhặt ve chai, giúp việc nhà hay theo gia đình làm việc đồng áng như hái ớt, làm cỏ...
Theo các ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ em phải bỏ học lao động sớm là do gia đình nghèo nên buộc cha mẹ bắt con phải đi làm thêm. Những phụ huynh này cũng không ý thức được việc ép buộc trẻ như vậy là sai phạm. Thêm vào đó, một số em do học kém, lười học nên không còn lựa chọn nào khác là đi làm để giúp đỡ gia đình. Mặc dù pháp luật Việt Nam cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, nhưng ở cả nông thôn lẫn thành thị, trẻ em vẫn phải làm những công việc vất vả.
Những năm qua, tỉnh có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em như: hỗ trợ học bổng, dụng cụ, phương tiện học tập, hỗ trợ học phí học nghề, giới thiệu ngành nghề, giúp gia đình trẻ em vay vốn làm ăn phát triển kinh tế... từ đó góp phần, giảm bớt khó khăn, trẻ em có điều kiện tiếp tục học tập. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ vẫn còn đông, giải pháp hỗ trợ học nghề xem ra chưa mang lại hiệu quả cao. Nhằm đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn, giải quyết tình trạng trẻ em lao động sớm, lao động nặng nhọc, năm 2012, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai mô hình trợ giúp trẻ em lang thang; trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại nguy hiểm.
Mô hình triển khai tại 11 xã thuộc các huyện, thị, thành gồm: thị xã Hồng Ngự, Thanh Bình và thị xã SaĐéc, mỗi đơn vị chọn 3 xã điểm; riêng huyện Cao Lãnh chọn 2 xã điểm. Thông qua mô hình, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức như: mở lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng sống, dạy nghề cho trẻ em lang thang hồi gia, trẻ em có nguy cơ lao động sớm, lao động nặng nhọc; trợ giúp trẻ em về đời sống lúc gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động trợ giúp gia đình, người chăm sóc trẻ em lang thang, trẻ em lao động về kiến thức nuôi dạy con, vận động các gia đình ký cam kết không để trẻ em lao động nặng nhọc và tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường học tập và vui chơi giải trí...
Bên cạnh những nỗ lực và giải pháp của các ngành chức năng, cần nâng cao nhận thức của cả cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh về trách nhiệm chăm sóc bảo vệ trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước; các địa phương cần đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập để mọi gia đình đều có điều kiện chăm sóc con em mình, để trẻ em được hưởng các quyền lợi theo quy định của Pháp luật.
Lệ Chi