Nghị lực vượt khó, thoát nghèo của một thương binh
Cập nhật ngày: 16/07/2012 14:20:53
Hơn ba mươi năm lăn lộn làm đủ nghề để kiếm sống, phát triển kinh tế gia đình, người thương binh 2/4 Trương Văn Chinh (còn gọi là Hùng Chinh, ngụ phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh) luôn tỏ rõ ý chí vượt khó của người bộ đội đã được trui rèn trong quân ngũ, là tấm gương lao động cần cù với ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, được nhiều người khâm phục.
Chú Hai Chinh dặm lúa ruộng
Tham gia cách mạng vào tháng 2-1968, khi chỉ mới hơn 15 tuổi, chú Chinh được phân công làm ở xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp). Vào năm 1974, chú bị trái nổ, hậu quả thương tật để lại là cụt mất 1 bàn tay, bàn tay còn lại chỉ có 2 ngón tay là cử động được bình thường, 2 ngón còn lại bị liệt gân, 1 bên tai bị điếc. Sau đó, chú được chuyển sang làm kế toán của xưởng cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
Đến tháng 12-1976, chú xuất ngũ về nhà, đối mặt với cuộc sống không ít gian truân, vất vả. Nhà nghèo, để kiếm kế sinh nhai, chú phải đi làm thuê, làm mướn đủ việc. Nhớ lại thời kỳ gian khổ, chú kể: Khi mới cưới vợ, vợ chồng chú chỉ có cái nhà lá, cột tre mà theo chú nói chỉ là 4 tấm lá che mưa nắng và cái vạt tre. Được cha mẹ cho 1 phần đất ruộng ở xã Ba Sao (huyện Cao Lãnh), thời điểm đó đường xá đi lại khó khăn, mỗi lần đi ruộng là cả tháng trời. Nhờ người quen thương bán chịu cho 1 nền nhà, vợ chồng chú cất căn nhà lá và 5 đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống nhiều khó khăn chồng chất, khi xong việc đồng áng, chú lại đi giăng lưới, rồi câu tôm ở các huyện khác, mang theo gạo mắm đi nửa tháng mới về.
Với ý chí vượt khó, vươn lên thoát nghèo, thương tật đã không ngăn được quyết tâm của chú. Dù chỉ còn 1 tay, sau thời gian lao động cần cù, vất vả, chú dành dụm được số tiền, cộng với tiền bán đất ruộng ở Ba Sao, chú về mua mấy công ruộng phía sau nhà cho tiện việc canh tác. Sau 2 xác nhà lá, đến năm 1991 chú đã cất được căn nhà ngói, vách cây vững chắc. Hiện 4 người con gái đều đã lấy chồng, có cuộc sống ổn định, còn người con trai út đang sống cùng vợ chồng chú.
Anh Nguyễn Thành Dũng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Thuận cho biết: Tuy là thương binh nhưng chú Chinh không trông chờ, ỷ lại người khác cứu giúp, tự vươn lên bằng sức lao động của mình, đáng để nhiều người khâm phục, noi gương.
Nhìn chú Chinh cười hiền lành, khoe mấy cánh cửa cây của ngôi nhà ngói do chính tay chú làm, càng nể phục hơn sự chăm chỉ hay làm và khéo tay của người thương binh tuy tàn nhưng không phế.
Thanh Trúc