Nghề đan lục bình phát triển ở Hưng Lợi
Cập nhật ngày: 16/11/2012 13:23:45
Đến ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười vào buổi sẽ thấy hai bên đường có rất nhiều lục bình được người dân mang ra phơi khô. Đan lục bình được xem là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây.
Phụ nữ ấp Hưng Lợi phơi lục bình cung cấp cho các hộ đan giỏ
Theo UBND xã Thanh Mỹ, nghề đan lục bình có ở 4 ấp gồm: ấp Mỹ Thạnh, Lợi Hòa, Lợi An, Hưng Lợi. Trong đó tại ấp Hưng Lợi, hầu như gia đình nào cũng tham gia. Sau thời gian làm công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Lan, ấp Hưng Lợi trở về quê sinh sống. Ngoài giờ đi làm thuê, chị tranh thủ nhận lục bình về đan gia công. Mỗi chiếc giỏ đan cần 2,5 kg lục bình khô. Mỗi ngày chị đan 1 chiếc giỏ, trừ chi phí, chị được 20.000 đồng đến 25.000 đồng. Chị Lan cho biết: “Làm mướn khá vất vả nên tôi chuyển sang đan lục bình tại nhà. Nghề này rảnh lúc nào thì làm lúc ấy, phù hợp với chị em ở nông thôn...”.
Mỗi lao động tại ấp Hưng Lợi làm nghề đan lục bình có thu nhập từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng tùy theo số lượng giỏ được đan. Một số hộ, mọi thành viên đều tham gia, có thu nhập khá hơn. Hộ anh Trần Văn Nhỏ-ấp Hưng Lợi, 4 người đều đan lục bình. Mỗi ngày gia đình anh thu nhập 80.000 đồng đến 90.000 đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình anh trong nhiều năm qua. Anh Nhỏ chia sẻ: “Nguồn hàng ổn định, thường xuyên nên cả nhà tôi nhận về đan. Ngoài đi làm mướn, đây là nguồn thu chính của cả gia đình để sống hàng ngày...”.
Do đa số người dân chọn nghề đan lục bình, nên những người lớn tuổi thường tận dụng thời gian rảnh bơi xuồng đi cắt lục bình tươi về phơi khô. Việc cắt lục bình tươi cũng đem lại thu nhập khá ổn định cho nhiều người. Cô Nguyễn Thị Kim Loan kể: “Lục bình bây giờ không còn nhiều, vì vậy phải bơi xuồng đi xa để kiếm. Có đám lục bình cắt 6 ngày mới hết. Cắt xong chở về phơi khô bán lại cho người đan 1kg giá 10.000 đồng. Chuyến đi vừa rồi tôi phơi khô được 20kg, kiếm cũng được 200.000 đồng. Nhờ có nghề đan lục bình mà tôi có được thu nhập chi tiêu hàng ngày...”.
Để phát triển nghề này, từ đầu năm đến nay xã Thanh Mỹ đã phối hợp mở 2 lớp đan lục bình mẫu mới cho 57 học viên tại xã. Đồng thời, tạo điều kiện và khuyến khích 65 chị em tại các ấp truyền nghề cho nhau. Chị Đặng Kim Phỉ - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Thanh Mỹ cho biết: “Nghề đan lục bình đang rất phát triển do phù hợp với điều kiện của chị em tại các ấp trong xã. So với năm trước, năm nay số lượng học viên tăng hơn, nguồn hàng ổn định, thường xuyên có những mẫu mã mới. Hiện các chị em trong xã đang gia công sản phẩm cho các cơ sở tại xã Láng Biển, huyện Cao Lãnh, thị trấn Mỹ Thọ, tỉnh Tiền Giang...”.
C.P