Nghề sửa giầy, dép
Cập nhật ngày: 17/10/2012 14:43:34
Lặng lẽ ngồi giữa phố thị đông đúc, hàng ngày những người làm nghề sửa giầy, dép vẫn cần mẫn xỏ từng mũi kim, đường chỉ để biến những đôi giầy, dép tưởng như bỏ đi trở nên lành lặn, bền chắc...
Ông Bảy Phước đang may dép cho khách
Bên hông Chợ Bách hóa thành phố Cao Lãnh (phía đường Lê Anh Xuân) là nơi có nhiều người sửa giầy, dép chọn làm địa điểm “kiếm sống” vì đông đúc, có nhiều người qua lại. Là dân “lão làng” với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề sửa giầy, dép nên ông Bảy Phước (Lư Văn Phước, 76 tuổi) là người hiểu hết mọi thứ sướng, khổ của nghề. Ông Bảy Phước cho hay, ông đến với nghề sửa giầy, dép khá tình cờ. Năm 1976, vốn kiếm sống bằng nghề bán kẹo kéo, nhưng trong một lần về Sa Đéc chơi thấy nhà bạn có nghề sửa giầy, dép cho khách, thế là ông lân la tìm hiểu, rồi học lóm nghề, sau đó trở về chọn Chợ Cao Lãnh đặt chiếc tủ nhỏ, bày biện vài đôi giầy, đôi dép và nhận hàng của khách để “hành nghề”. Thấm thoát, ông đã gắn bó với nghề hơn 30 năm.
Đến sửa giầy dép ngoài số ít người khá giả, phần lớn khách hàng là công nhân, dân lao động nghèo vì những đôi giầy, đôi dép của họ có giá bình dân không bền, chắc bằng những đôi giầy “hàng hiệu” nên thường mau chóng hư hỏng, họ luyến tiếc muốn tận dụng hết độ bền, chắc của giầy dép. “Nhiều người cứ tưởng nghề sửa giầy, dép đơn giản và dễ ăn lắm. Chỉ cần chọn địa điểm thuận lợi, bày biện một cái tủ nhỏ, vài cái ghế nhỏ cho khách cùng kìm, kéo, keo và một miếng vỏ xe... là xong. Nhưng khi vào nghề rồi mới biết khó khăn nào là khói bụi, mưa nắng, phải tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Phải rành rẽ nhiều cách may cho từng loại giầy, dép cụ thể... Muốn thạo nghề phải có thời gian vừa làm vừa học từ 1-2 năm”, ông Bảy Phước nói.
Dưới cái nắng oi bức của buổi trưa, ông Bảy Phước vừa luồng may từng mũi kim vào đôi dép cũ để kịp giao cho khách vừa cho biết thêm, giá mỗi lần may quay cho chắc, hay đóng đế giầy dép dao động từ 7 ngàn đến 10 ngàn đồng, mỗi lần đánh xi là 10 ngàn đồng. Trung bình, ông kiếm được từ 50 đến 60 ngàn/ngày. Có ngày “trúng mánh”, khách đến làm nhiều ông kiếm cũng được gần 100 ngàn. Dịp tết, khách đến may giầy dép đông gấp 3-4 lần, nên mỗi ngày ông kiếm vài trăm ngàn. Tuy nhiên, đối với những người làm nghề sửa giầy, dép như ông, mùa tết chỉ kéo dài khoảng 10-15 ngày là ngưng.
Gia đình không có ruộng đất nhưng nhờ có thu nhập từ công việc sửa giầy, dép đã giúp cho ông Bảy Phước nuôi 10 người con khôn lớn. Hiện tại, có 5 người con ông Bảy Phước cũng đang “hành nghề” sửa giầy dép như ông. Điển hình là chị Lư Thị Ngà (43 tuổi) đã 18 năm trong nghề sửa giầy, dép. “Vợ chồng tôi cũng không có nghề nghiệp gì ổn định nên tôi theo nghề sửa giầy, dép như ba tôi. Nghề này tuy vất vả nhưng sống cũng được. Nhờ nó mà vợ chồng tôi mới nuôi được hai đứa con đi học phổ thông” chị Nga cho biết.
Trong xã hội có trăm thứ nghề. Miễn là không vi phạm pháp lực và kiếm tiền bằng sức lao động chân chính của mình thì ai làm nghề gì cũng cao quý và được xã hội trân trọng. Nghề sửa giầy, dép cũng thế.
P.Thuận