Nhọc nhằn đi thu phí vệ sinh
Cập nhật ngày: 10/08/2012 05:47:41
Phí vệ sinh là khoản thu cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn địa phương. Theo Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 13-8-2007, trừ trường hợp hộ nghèo, tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn nơi có tổ chức hoạt động thu gom và xử lý rác thải đều phải có trách nhiệm đóng loại phí này. Tuy nhiên, hiện nay việc thu phí vệ sinh vẫn còn gặp khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh, Xí nghiệp Dịch vụ Môi trường đô thị Đồng Tháp là đơn vị trực thuộc được Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp giao cho việc tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở thành phố Cao Lãnh và thị xã SaĐéc. Đối với thành phố Cao Lãnh trung bình mỗi ngày Xí nghiệp phải thu gom và xử lý khoảng 84 tấn rác thải các loại, còn ở thị xã SaĐéc mỗi ngày thu gom và xử lý khoảng 54 tấn rác thải.
Để thu phí vệ sinh khách hàng, Xí nghiệp tổ chức nhân viên của đơn vị trực tiếp đi thu hoặc giao cho UBND các xã, phường những nơi Xí nghiệp có tổ chức thu gom và xử lý rác thải thu phí, với mỗi hóa đơn thu được, địa phương sẽ được xí nghiệp trích 10% hoa hồng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân còn thiếu ý thức và không có biện pháp chế tài nên việc thu phí vệ sinh của Xí nghiệp gặp khó khăn. Trung bình, mỗi tháng Xí nghiệp thất thoát từ 10% - 20% tiền phí vệ sinh, cá biệt có tháng thất thoát từ 30% - 40% tiền phí vệ sinh. Cụ thể, trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, trong năm 2011 Xí nghiệp thất thoát số tiền phí vệ sinh do các hộ dân và cơ sở sản xuất kinh doanh không đóng phí gần 80 triệu đồng. Những tháng đầu năm, số tiền thất thu của Xí nghiệp đang tăng cao, chỉ trong tháng 6 - 2012 Xí nghiệp không thu phí được của hơn 707 trường hợp với số tiền hơn 34,5 triệu đồng, chiếm hơn 10% tổng số tiền phí mà Xí nghiệp phải thu. Đối với thị xã SaĐéc trong 6 tháng đầu năm 2012, Xí nghiệp thất thu tiền phí vệ sinh hơn 50 triệu đồng do không thu được của các hộ dân và cơ sở sản xuất...
Ông Nguyễn Văn Lèo - Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ Môi trường đô thị Đồng Tháp cho biết: “Anh em công nhân của công ty thu gom và xử lý rác rất cực khổ, tuy nhiên nhiều hộ dân lại thiếu ý thức không đóng tiền phí vệ sinh. Ở thành phố Cao Lãnh chúng tôi thu phí vệ sinh được khoảng 60%, còn lại thu không được...”.
Là nhân viên thu phí vệ sinh của Xí nghiệp Dịch vụ Môi trường đô thị Đồng Tháp phụ trách việc thu phí ở các địa bàn như: Mỹ Trà, Mỹ Tân, phường 4, phường 11 thành phố Cao Lãnh, bà Nguyễn Thị Lịch kể: “Theo quy định hộ dân chỉ phải đóng 10 ngàn đồng/tháng tiền phí vệ sinh nhưng có trường hợp tôi thu đến 5 lần mới được. Đóng xong người ta lại chửi đổng mình. Thật khó hiểu”. Thu tiền phí vệ sinh nhiều người cho rằng rất dễ nhưng có tìm hiểu mới biết công việc của bà Lịch vô cùng vất vả, có hôm bà phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới về đến nhà.
Ông Nguyễn Tấn Triển là người phụ trách thu phí vệ sinh cho phường 3, thành phố Cao Lãnh từ năm 2006 cho hay: “Thực tế quá trình đi thu phí vệ sinh rất khó khăn do họ chưa hiểu hết nỗi nhọc nhằn của công nhân vệ sinh môi trường. Mỗi tháng đóng 10 ngàn đồng, tính ra mỗi ngày chỉ đóng hơn 300 đồng mà nhiều người vẫn không đóng. Trên địa bàn tôi phụ trách vẫn có trường hợp như thế”.
Việc thất thu phí vệ sinh của Xí nghiệp Dịch vụ Môi trường đô thị Đồng Tháp chủ yếu rơi vào những hộ dân ở các xã, phường vùng ven, các hộ sống ven kênh, rạch. Những hộ này từ chối việc trả phí vệ sinh vì cho rằng có nơi xử lý rác, tuy nhiên thực tế nhiều trường hợp xử lý bằng hình thức vứt rác xuống kênh, rạch.
Ông Nguyễn Văn Lèo - Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ Môi trường đô thị Đồng Tháp cho biết thêm: “Người dân không đóng tiền phí nhưng do Xí nghiệp không có biện pháp chế tài nào nên rất khó xử lý. Chủ yếu là các địa phương phải tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức hoặc có biện pháp xử phạt”.
Phú Thuận