Phòng cháy, chữa cháy
Nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Cập nhật ngày: 17/09/2012 07:52:17
Chỉ thị 1634, ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, luôn được sự quan tâm, đồng tình của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác PCCC, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Diễn tập chữa cháy
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp gắn với các cụm, tuyến dân cư. Theo quy hoạch, trong thời gian tới sẽ triển khai xây dựng 14 siêu thị tổng hợp; xây dựng các trung tâm thương mại tại TP.Cao Lãnh, TX.SaĐéc, TX.Hồng Ngự,... Do đó, công tác đảm bảo an toàn PCCC là rất quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Quá trình đô thị hóa nhanh, KT-XH phát triển không ngừng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, do sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại nguyên, vật liệu, nhiên liệu, các nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt...
Lực lượng dân phòng của tỉnh được xây dựng theo mô hình mỗi xã, phường, thị trấn có một đội dân phòng, có tham gia công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ (mỗi đội 10-15 người). Toàn tỉnh hiện có 80% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC đã thành lập đội PCCC cơ sở với 899 đội, trên 13.000 đội viên.
Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh lập kế hoạch phát động phong trào thi đua xây dựng điển hình tiên tiến về PCCC đến tất cả cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp. Đây là hình thức tuyên truyền có hiệu quả về PCCC, nhằm nâng cao ý thức của mỗi người trong việc thực hiện Luật PCCC tại cơ sở, góp phần phòng ngừa có hiệu quả tình hình cháy, nổ.
Công tác kiểm tra an toàn PCCC từng bước được nâng cao với việc chủ động điều tra, phân loại để đề ra biện pháp quản lý, kiểm tra sát với thực tế, phù hợp với loại hình, tính chất hoạt động của từng cơ sở thuộc diện quản lý. Kết quả đã tổ chức thanh tra, kiểm tra và phúc tra 2.114 lượt cơ sở, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục 7.210 thiếu sót về PCCC; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 79 trường hợp, phạt trên 171 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 28 doanh nghiệp và các đơn vị, cơ quan trong thực hiện các qui định về an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ và đã yêu cầu khắc phục 92 thiếu sót về PCCC,...
Nhằm đáp ứng yêu cầu PCCC trong tình hình mới, 2 năm qua, UBND tỉnh đã đầu tư trên 10 tỷ đồng trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (tăng trên 7 tỷ đồng so với 2 năm trước đó); cấp cho Công an tỉnh trên 23.000m2 đất để xây dựng các đội cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ các khu vực trên địa bàn. Dự kiến năm 2013 thành lập Đội cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khu vực Tháp Mười.
Từ tháng 8/2010 đến tháng 8/2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 68 vụ cháy, trong đó cháy tại các cơ sở, doanh nghiệp 18 vụ, cháy nhà dân 50 vụ, làm chết 2 người, bị thương 5 người, thiệt hại tài sản khoảng 12,6 tỷ đồng. Theo phân tích, tình hình cháy 2 năm qua tăng về số vụ và thiệt hại. Số vụ cháy từ 21 giờ trở về sáng và cháy khi chủ nhà đi vắng 16 vụ (60%), cháy do điện chiếm hơn 50% nguyên nhân các vụ cháy. Hầu hết các vụ cháy đều xảy ra tại cơ sở do Công an cấp huyện quản lý và ở khu vực vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức và việc am hiểu các qui định của pháp luật về PCCC còn hạn chế.
Những khó khăn hiện nay trong công tác PCCC nổi lên là các điều kiện an toàn PCCC đối với các khu dân cư. Đặc trưng của các khu dân cư là kết cấu nhà bằng vật liệu dễ cháy, khi cháy xảy ra thì dễ xảy ra cháy lan, cháy lớn; các hộ dân giăng mắc điện chằng chịt không đảm bảo an toàn PCCC. Đáng chú ý là các cụm, tuyến dân cư vượt lũ không xây dựng các trụ nước chữa cháy, nên khi có cháy, lực lượng chữa cháy gặp nhiều khó khăn về nguồn nước.
TN