Tuyên truyền pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động

Cập nhật ngày: 30/11/2012 11:47:55

Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp với hơn 45.000 lao động và 300 hợp tác xã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với 50.000 xã viên. Do số lượng doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) khá nhiều nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) là hết sức cần thiết. Năm 2009, Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ, NSDLĐ trong các loại hình doanh nghiệp (gọi tắt là Đề án 31) được tỉnh triển khai thực hiện.


Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức như: đối thoại với NLĐ tại doanh nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp tại khu kinh tế, đối thoại trực tiếp trên sóng truyền hình. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các văn bản pháp luật liên quan đến đời sống NLĐ như: Luật bảo hiểm xã hội, Luật công đoàn, Luật doanh nghiệp...

Cùng với các hình thức đối thoại trên, các ngành liên quan còn tổ chức các cuộc thi, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, biên soạn các tài liệu hỏi đáp pháp luật, tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử chuyên ngành... Liên đoàn Lao động tỉnh phát động cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật trong các doanh nghiệp, có 61 đơn vị tham gia với 4.796 bài dự thi của công nhân; thành lập 19 tổ công nhân tự quản; bàn giao 19 tủ sách pháp luật với gần 1.000 đầu sách các loại cho tổ tự quản...

Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp tổ chức 7 chương trình tư vấn pháp luật trên sóng phát thanh, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Cục thuế tỉnh, Công đoàn các khu công nghiệp tổ chức 4 đợt đối thoại với doanh nghiệp và NLĐ về chủ đề pháp luật, thuế, bảo hiểm xã hội với trên 700 người tham dự.

Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh hợp tác xã cũng phối hợp tổ chức xây dựng chuyên mục phổ biến pháp luật đến với NLĐ, NSDLĐ, tổ chức tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, vận hành lưới điện chiếu sáng công cộng, an toàn trạm bơm điện, vệ sinh lao động...

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp thời gian qua có tác động tích cực vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của NLĐ, NSDLĐ. Nhờ đó góp phần làm giảm khiếu nại, khiếu kiện, đình công, lãn công không đúng quy định của pháp luật. Song song đó, Đề án 31 cũng là cơ sở để địa phương, doanh nghiệp, hình thành, củng cố và nâng cao năng lực, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các đơn vị liên quan trong việc phổ biến pháp luật trong doanh nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với NLĐ vẫn còn gặp một số khó khăn như: hoạt động ở cấp huyện vẫn còn hạn chế, doanh nghiệp chưa dành nhiều thời gian tham gia vào các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, NLĐ tham gia làm việc tại các doanh nghiệp còn biến động (chuyển nơi làm việc) trình độ học vấn hạn chế...

Trong giai đoạn 2013-2016, UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn hoạt động của Ban điều hành đề án, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và NSDLĐ theo chương trình mới.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn