Cẩn thận phòng, chống bệnh tay chân miệng
Cập nhật ngày: 09/10/2017 15:29:49
ĐTO - 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh Đồng Tháp đã ghi nhận 4.157 ca mắc tay chân miệng (TCM), tăng 123% so với cùng kỳ năm 2016. Theo nhận định của ngành y tế, bệnh TCM có thể gia tăng trong thời gian tới do diễn biến bất thường của yếu tố thời tiết tạo điều kiện cho vi-rút gây bệnh phát triển.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Cao Lãnh
Đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lãnh vào những ngày này, khoa nhi của Bệnh viện tiếp nhận khá đông bệnh nhi điều trị TCM. Nếu như những tháng đầu năm 2017 trung bình hàng tháng bệnh viện điều trị gần 20 ca TCM, thì tháng 8 và tháng 9, tăng lên hơn 60 ca/tháng. Chị Trịnh Thị Kim Chi ngụ ấp Bình Linh, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh có con 2 tuổi đang điều trị TCM tại đây cho biết: “Ở nhà, tôi có nghe tuyên truyền về TCM. Tôi cũng lau nhà, vệ sinh kỹ cho bé nhưng khi đón cháu đi học về thấy cháu lừ đừ, sốt cao, hôm sau nổi hột ở bàn tay, đưa con đi khám mới biết con bị TCM”.
Theo các chuyên gia, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút thuộc nhóm Entrevirus gây ra. Bệnh TCM lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bác sĩ chuyên khoa I, Đoàn Trường Giang - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lãnh cho biết: Nguyên nhân trẻ mắc bệnh TCM do phụ huynh không vệ sinh kỹ hằng ngày cho trẻ, các vật dụng, đồ chơi, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng... một phần bị lây từ bạn khi đi học ở nhà trẻ.
Để phòng bệnh TCM cho trẻ, bác sĩ Đoàn Trường Giang khuyến cáo: “Bệnh TCM đang gia tăng, các phụ huynh phải chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ như: rửa tay bằng xà phòng, cọ rửa đồ chơi, sàn nhà đảm bảo an toàn cho trẻ. Quan sát kĩ nếu trẻ biểu hiện sốt, nổi bóng nước đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, loét miệng phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị”.
Mặc dù bệnh TCM đang gia tăng nhưng ý thức thực hành vệ sinh phòng bệnh cho trẻ của phụ huynh chưa cao. Để nâng cao ý thức phòng, chống bệnh cho cộng đồng, ngành y tế tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh.
Tại huyện Cao Lãnh, từ đầu năm đến nay ghi nhận 928 ca TCM, tăng 474 ca so với cùng kỳ. Trung tâm Y tế - Dân số huyện đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền như: phát trên 1.500 tờ bướm tuyên truyền bệnh TCM cho người dân. Đối với những xã có số ca mắc nhiều như: Phong Mỹ, Phương Thịnh, Mỹ Hiệp, Bình Hàng Trung, Bình Thạnh, ngành y tế huyện đến tuyên truyền cách phòng bệnh trực tiếp cho từng hộ gia đình có con mắc TCM, hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết bệnh TCM.
Chủ động phòng bệnh TCM cho trẻ em, Trung tâm Y tế - Dân số huyện Lai Vung đã tổ chức tư vấn, tuyên truyền cho người dân, các giáo viên trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ cộng đồng cách phòng bệnh TCM cho trẻ; phối hợp các ngành, đoàn thể mở chiến dịch truyền thông tuyên truyền mức độ nguy hiểm, hậu quả của bệnh TCM để người dân biết cách phòng bệnh.
Các phụ huynh cần quan tâm, nâng cao ý thức phòng bệnh TCM cho trẻ để góp phần cùng ngành y tế kiểm soát, hạn chế thấp nhất số ca TCM ở trẻ em.
MỸ XUYÊN