Giám sát chặt chẽ, chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Cập nhật ngày: 06/10/2017 10:18:28

ĐTO - Thông tin từ Sở Y tế Đồng Tháp, trong số 28 bệnh truyền nhiễm (BTN) được giám sát thường xuyên tính từ đầu năm đến tháng 9/2017, có 8 bệnh không có ca mắc trong nhiều năm qua; 10 bệnh có số trường hợp mắc giảm và 9 bệnh có số trường hợp mắc tăng so với cùng kỳ năm 2016.


Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp khám, điều trị bệnh cho trẻ mắc tai chân miệng

Các bệnh có số ca mắc tăng so với cùng kỳ 2016 là viêm não vi-rút tăng 28 ca; liên cầu lợn 4 ca; viêm gan vi-rút tăng 336%; ho gà, 6 ca mắc, tăng 3 ca; thủy đậu mắc 236 ca, tăng 81,5%; quai bị tăng 41% (cùng kỳ 184 ca); tay chân miệng (TCM) tăng 123% và sốt xuất huyết (SXH) tăng 6,8%.

Năm 2017, dự báo bệnh truyền nhiễm lưu hành chưa có vắc-xin phòng bệnh là SXH và TCM có nguy cơ, có số ca mắc tăng cao, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo Trung tâm Y tế, Trung tâm Y tế - Dân số các huyện, thị, thành phố tiến hành giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch theo đúng qui định của ngành y tế; phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

 Đối với hệ điều trị, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực trong chẩn đoán và điều trị cho các bác sĩ tại tất cả các bệnh viện trong tỉnh. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trang bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị để sẵn sàng kịp thời đáp ứng chống dịch; giám sát chặt chẽ tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm thông qua hệ thống báo cáo phần mềm trực tuyến và báo cáo nhanh hàng ngày từ các cơ sở điều trị, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và cập nhật thông tin từ cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về phòng, chống bệnh dịch cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch các tuyến trong tỉnh; tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn và cải thiện chất lượng điều trị nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Mặc dù vậy, hiện nay công tác phòng, chống dịch còn gặp một số khó khăn: ý thức thực hành vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa cao; tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ gia cầm và sử dụng các chế phẩm từ gia cầm chưa đảm bảo vệ sinh; hoạt động diệt lăng quăng của cộng đồng chưa hiệu quả... Nhận định BTN nguy hiểm, bệnh có nguy cơ tái nổi và bệnh mới nổi, ngành y tế đã khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống bệnh. Chú ý phòng, chống một số BTN thường gặp, bằng các biện pháp sau:

Bệnh SXH và TCM vẫn là 2 bệnh truyền nhiễm thường gặp và có số ca mắc cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm khác. Đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Đối với bệnh TCM, biện pháp phòng, chống hiệu quả nhất là thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân; vệ sinh ăn uống: thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác, đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Kế đến là bệnh thủy đậu, đây là một bệnh cấp tính do nhiễm vi-rút Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi-rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.

Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Tuy nhiên, thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não (tuy ít xảy ra). Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân nên tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi (vắc-xin dịch vụ, người tiêm tự chi trả tiền). Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Bệnh quai bị cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp và có số ca mắc khá cao. Theo ngành y tế, biện pháp phòng ngừa bệnh quai bị là tiêm vắc-xin để phòng bệnh (vắc-xin dịch vụ, người tiêm tự chi trả tiền), vắc-xin quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch. Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

Bệnh cúm mùa cũng là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.

Để chủ động phòng, chống cúm mùa, người dân ngoài việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, đồng thời giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Lãnh đạo bệnh viện đa khoa huyện Hồng Ngự cho biết, khoảng 2 tuần nay, ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi nhập viện mắc bệnh tay chân miệng (TCM) với triệu chứng sốt, bỏ ăn; TCM có nổi những nốt đỏ, mộng nước. Chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, nhờ gia đình có ý thức phòng bệnh nên đưa trẻ nhập viện sớm giai đoạn đầu kết hợp điều trị theo phát đồ của Bộ Y tế nên bệnh nhân được hồi phục nhanh. Từ đầu năm đến nay toàn huyện có 226 ca mắc bệnh TCM tăng 265%, tương đương 142 trẻ so với cùng kỳ năm 2016.

KIM XUÂN

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn