Tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Cập nhật ngày: 28/08/2017 14:37:54
ĐTO - Bệnh sốt xuất huyết (SXH) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại bệnh đáng quan tâm nhất do muỗi truyền. Đây là bệnh lan truyền với tốc độ nhanh, dễ bùng phát thành dịch.
Phun xịt hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, bệnh SXH tại Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc trên 100.000 dân là 56,7 thấp hơn so với một số nước và tỷ lệ tử vong là 0,029 thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Nhưng trong năm 2017, tình hình bệnh SXH có xu hướng tăng với nhiều diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, mưa bão sớm, nhiều và kéo dài. Số người mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (64,4%) và miền Trung (19,9%) so với tổng số trường hợp mắc bệnh của cả nước, do đây là khu vực bệnh lưu hành trong nhiều năm qua. Đáng chú ý là số người bệnh ở các tỉnh miền Bắc năm nay tăng 763% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh SXH, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh SXH; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; da dạng các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp để người dân chủ động, tích cực trong phòng, chống SXH. Các trường học huy động giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia diệt lăng quăng tại gia đình và cộng đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh chỉ đạo các cấp cơ sở chủ động thực hiện và tích cực vận động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh SXH, đặc biệt là diệt lăng quăng. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân triển khai chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng trên địa bàn, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời.
Mỗi người dân cần hiểu bệnh SXH Dengue hay gọi tắt là SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi-rút sau đó truyền vi-rút sang người lành qua vết đốt.
Ở Việt Nam, loài muỗi truyền bệnh SXH chủ yếu có tên khoa học là Aedes aegypti - còn gọi là muỗi vằn. Hiện nay, bệnh SXH không có thuốc hoặc kháng sinh cụ thể để điều trị. Vi-rút Dengue được chia làm 4 loại, gọi là 4 tuýp Dengue khác nhau và chúng đều có khả năng gây bệnh cho người. Những người đã mắc 1 trong 4 tuýp bệnh thì sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời đối với tuýp đó nhưng lại không có miễn dịch chéo với những tuýp còn lại. Do đó, một người đã từng mắc SXH vẫn có thể bị lần thứ hai, thứ ba.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh SXH có khả năng gây bùng phát dịch vào mọi thời điểm trong năm, đặc biệt là vào mùa mưa. Dịch có thể diễn ra ở nhiều nơi trên khắp cả nước, trên mọi đối tượng, nguy hiểm đến tính mạng, có thể gây tử vong cũng như gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi là đối tượng dễ có nguy cơ tử vong nên cần được chú ý.
Mặc dù vậy, bệnh SXH hoàn toàn có thể phòng, tránh được. Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng dân cư thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng, chống dịch.
Cụ thể như: loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá hoặc tác nhân sinh học mê zô (Mesocyclop) vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng, bọ gậy; thường xuyên rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...); thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa, cây cảnh thường xuyên; xua diệt muỗi bằng cách phun xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Phòng, chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay; ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
Để phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, thiết nghĩ, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh để tránh lây lan bệnh SXH cho cộng đồng.
TƯỜNG VI - K.N