Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Cập nhật ngày: 10/06/2017 05:59:07
ĐTO - (BS.CKII.Trương Kiến Quốc - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đồng trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)
Bác sỹ Trương Kiến Quốc
* PV: Bác sĩ cho biết kết quả chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh?
- BS. Trương Kiến Quốc (T.K.Q.): Bắt đầu từ năm 2009, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh hoạt động của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở một số địa bàn trọng điểm.
Hiện nay, chương trình này đang được triển khai mở rộng trong toàn tỉnh, tập trung vào các vấn đề như: đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động lãnh đạo chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể liên quan ủng hộ và tham gia chăm sóc, hỗ trợ bà mẹ và trẻ em bị nhiễm HIV tại cộng đồng; khuyến khích các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội khác, đặc biệt là bản thân và gia đình người nhiễm HIV tham gia vào các họat động hỗ trợ chăm sóc bà mẹ và trẻ em nhiễm HIV; thiết lập hệ thống chăm sóc, hỗ trợ các bà mẹ, trẻ em nhiễm HIV tại cộng đồng trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể;...
Đồng thời, chương trình thực hiện các hoạt động dự phòng sớm phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con như: vận động hành vi tình dục an toàn; khuyến khích xét nghiệm HIV trước khi kết hôn cho cả nam và nữ; tư vấn cho phụ nữ khi mang thai và trước khi sinh tự nguyện xét nghiệm HIV; tăng cường quản lý thai sớm để phát hiện nguy cơ và điều trị sớm dự phòng lây truyền từ mẹ sang con...
Tỉnh hiện có 172 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo ước tính, mỗi năm tỉnh Đồng Tháp đã giúp hơn 40 cháu không bị nhiễm HIV, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, dòng họ. Chương trình làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tỉnh Đồng Tháp từ trên 30% trước năm 2005 xuống 5% năm 2012 và 0% năm 2015, 2016.
* PV: Xin bác sĩ cho biết các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?
- BS.T.K.Q.: Với những phụ nữ nhiễm HIV mang thai cần có gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm các dịch vụ chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) cho người phụ nữ đó và cho con của họ khi sinh ra; thực hành sản khoa an toàn; tư vấn và hỗ trợ phụ nữ nhiễm HIV mang thai và các lựa chọn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thích hợp.
Các dịch vụ trong thành tố này chủ yếu là: chăm sóc thai nghén; tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong chăm sóc thai nghén, xét nghiệm lại trong giai đoạn cuối của quá trình mang thai ở những nơi có tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai cao trong cộng đồng; đánh giá giai đoạn lâm sàng và miễn dịch thông qua khám lâm sàng và xét nghiệm đếm tế bào CD4 của phụ nữ mang thai nhiễm HIV; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho những phụ nữ mang thai nhiễm HIV; điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) cho phụ nữ mang thai đủ điều kiện điều trị; thực hành sản khoa an toàn; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV; tư vấn nuôi dưỡng trẻ sau sinh.
Tại Đồng Tháp, các điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện nay là các trạm y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản và các bệnh viện tỉnh, huyện. Tất cả các dịch vụ này đều dược miễn phí hoàn toàn từ tư vấn xét nghiệm đến thuốc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
* PV: Những khó khăn cần giải quyết để nâng cao hiệu quả trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?
- BS.T.K.Q.: Khó khăn của chương trình là việc tiếp cận dịch vụ và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Các ngành liên quan cần tăng cường vận động và tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tiếp tục đẩy mạnh việc chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS bằng các biện pháp như: cung cấp thông tin đầy đủ để mọi người dân hiểu biết về HIV/AIDS.
* PV: Trong tháng cao điểm này, tỉnh tập trung vào các hoạt động gì?
- BS.T.K.Q.: Tháng cao điểm (tháng 6) dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2017, với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”, các ngành chức năng có những hoạt động cụ thể để thu hút sự quan tâm, tham gia của cộng đồng.
Trong đó có việc tăng cường các hoạt động dự phòng sớm phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con như: vận động sử dụng và tạo điều kiện tiếp cận với bao cao su để khuyến khích hành vi tình dục an toàn, đặc biệt đối với nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ; khuyến khích xét nghiệm HIV trước khi kết hôn cho cả nam và nữ; tư vấn cho 100% phụ nữ khi mang thai và trước khi sinh tự nguyện xét nghiệm HIV; đối với phụ nữ nhiễm HIV có mong muốn sinh con phải tư vấn để họ chấp nhận và tuân thủ điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; quản lý thai sớm để phát hiện nguy cơ và điều trị sớm dự phòng lây truyền từ mẹ sang con;...
* PV: Xin cám ơn bác sỹ!
Thành Nam (Thực hiện)