“Ý Đảng, lòng dân”

Cập nhật ngày: 24/02/2020 10:11:50

Kỳ 3: Nông thôn khởi sắc, nông dân đổi đời

ĐTO - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng góp sức của người dân, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thay đổi rõ nét, khoác lên mình “chiếc áo mới”. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn nâng cao, mang lại sự vui mừng, phấn khởi cho nhân dân.

>> Kỳ 1: Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị

>> Kỳ 2: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Tâm Quê Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh) vào ngày 14/4/2018

Nông thôn “khoác áo mới”

Trong điều kiện ngân sách tỉnh, Trung ương còn khó khăn, các xã đã huy động nhiều nguồn lực bằng những hình thức thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên cho những vấn đề thật cần thiết liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trước đây, khi chưa thực hiện xây dựng NTM, ở TP.Cao Lãnh hệ thống giao thông ở các xã chưa được hoàn thiện, cầu, đường còn nhỏ hẹp, nhiều trục đường liên xã chưa được nhựa hóa, đường trục ấp chưa được bê-tông hóa, trục ngõ xóm còn lầy lội, giao thông nông thôn còn nhiều khó khăn. Từ khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, TP.Cao Lãnh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Bên cạnh đó, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, qua đó được người dân hưởng ứng tích cực, tham gia hiến đất, đóng góp ngày công lao động để thực hiện các công trình giao thông, sửa chữa cầu đường, mở rộng nâng cấp các tuyến đường liên ấp, đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất trên địa bàn. TP.Cao Lãnh đã tiếp tục đầu tư nâng cấp sửa chữa bê-tông hóa, nhựa hóa được gần 178km tại các tuyến đường trục ấp, liên ấp và đường ngõ xóm. Hiện nay, TP.Cao Lãnh đã hoàn thành đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.


 Đường sá, nhà ở của người dân ở các xã nông thôn mới được đầu tư khang trang

Còn ở huyện Tháp Mười, Hưng Thạnh là một xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn và không phải xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Khi địa phương bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, các tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, thu nhập... Ngày nay, đến xã Hưng Thạnh, chúng tôi nhìn thấy bộ mặt nông thôn “thay da đổi thịt” khi đã đạt chuẩn NTM. Ông Hoàng Đình Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thạnh phấn khởi cho biết: “Xã Hưng Thạnh là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Tháp Mười, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị, vai trò của cấp ủy đảng và sự đồng thuận của người dân, đã giúp xã đạt 19/19 tiêu chí, đồng thời giúp huyện Tháp Mười đạt 12/12 xã chuẩn NTM vào cuối năm 2019. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên”.

Giờ đây, đường đi đến các xã NTM trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều thuận lợi, dễ dàng. Đường sá từ trung tâm xã đến các ấp được trải nhựa hoặc bê-tông, đảm bảo xe ô-tô đi lại thuận tiện. Nhiều nơi, người dân trồng hoa 2 bên lề đường làm cho bộ mặt NTM thêm phần khởi sắc tươi đẹp. Hệ thống cầu, đường, trường, trạm, điện... ở các xã NTM đều được đầu tư xây dựng khang trang. Chúng tôi rảo quanh các xã NTM và nhận thấy, trường học các cấp được xây dựng có vị trí thuận lợi, nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia, phục vụ tốt nhu cầu dạy và học, góp phần nâng cao dân trí; các lưới điện trung thế, hạ thế phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Ngồi nhâm nhi bên tách trà, lão nông Nguyễn Văn Thành (79 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò) nhìn ra trước cổng nhà cảm nhận sự đổi thay của quê hương mình và chia sẻ: “Trước đây, tôi và bà con trong xóm, ít ai nghĩ đến có được sự thay đổi như hôm nay, được Nhà nước đầu tư đường sá, điện, nước phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt cuộc sống của người dân ở nông thôn. Tôi rất phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương, vui mừng thấy con cháu mình được đi trên những con đường mới khang trang, những chiếc cầu bằng bê-tông vững chắc”.


 Người dân trồng hoa theo lề đường làm cho bộ mặt nông thôn mới thêm khởi sắc

Nông dân đổi đời

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, nhà ở của người dân nông thôn còn nhiều nhà tạm bợ, dột nát, xiêu vẹo... Khi thực hiện xây dựng NTM, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự ủng hộ của các mạnh thường quân và sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư đã hỗ trợ cho các gia đình chính sách, người có công, hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng lại nhà ở. Qua 8 năm xây dựng NTM, ở TP.Cao Lãnh đã xây dựng được hơn 18.500 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương với kinh phí huy động trên 410 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân trên địa bàn các xã tự xây dựng, nâng cấp, sửa chữa gần 16.000 căn nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.

Quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp, các địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; nhiều dự án, chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ. Kết quả đã hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, sớm vươn lên thoát nghèo bền vững, thu nhập bình quân theo đầu người ở các xã NTM tăng dần qua từng năm. Để đạt được kết quả này, các địa phương đã vận dụng lồng ghép các giải pháp như: cho vay vốn ưu đãi, tiếp cận hiệu quả các dự án đầu tư, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp tình hình thực tế địa phương; duy trì và phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp; tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập, góp phần làm cho đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Qua Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cho thấy, nhiều xã NTM đã rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị về nhà ở và thu nhập bình quân theo đầu người. Điển hình như sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò) không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm bợ, dột nát, tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng trên 70%. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 đạt 49 triệu đồng/người/năm.

Sau khi triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, người nông dân trong tỉnh Đồng Tháp đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phải kể đến mô hình “Cây xoài nhà tôi” ở huyện Cao Lãnh ra đời nhằm đa dạng hóa phương thức quảng bá đặc sản địa phương, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Hợp tác xã xoài Mỹ Xương sẽ là cầu nối giữa khách hàng và nhà vườn trồng xoài Cao Lãnh. Khi khách hàng tham gia đồng hành cùng mô hình “Cây xoài nhà tôi” sẽ được khám phá, trải nghiệm thực tế và hòa mình cùng với thiên nhiên, con người Đồng Tháp một cách chân thật nhất, gần gũi nhất.


Nông dân phấn khởi khi chuyển đổi cây trồng góp phần nâng cao thu nhập kinh tế

Nông dân Nguyễn Văn Mách ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng xoài chủ yếu bán cho thương lái, giá cả bấp bênh, có khi bị thương lái ép giá. Sau khi tham gia vào Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, thực hiện mô hình “Cây xoài nhà tôi”, tôi đã bán được hơn 25 cây xoài với giá bán từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm, giá bán ổn định, thu nhập được tăng thêm, đời sống kinh tế gia đình tôi khá lên”.

Ngoài ra, mô hình Hội quán nông dân với hơn 4.700 thành viên tham gia, tạo không gian để tập hợp người dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận kiến thức mới trong sản xuất, định hướng chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đến nay, đã có 17 hợp tác xã thành lập trên cơ sở các Hội quán nông dân mở ra hướng đi mới, phù hợp tái cơ cấu nông nghiệp, giúp hoàn thành tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp vào tháng 9/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Đồng Tháp chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ 3, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác và triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh. Có thể nói, những năm qua, Đồng Tháp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo về kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM và trở thành điểm sáng của cả nước.

Đồng Tháp đã triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trong điều kiện gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân đồng tình cao nên đạt kết quả tốt. Qua chặng đường 10 năm xây dựng NTM ở Đồng Tháp, diện mạo miền quê nông thôn của tỉnh đã thay da đổi thịt, khoác lên mình chiếc áo mới phát triển khởi sắc, góp phần làm cho quê hương Đất Sen hồng ngày càng tươi đẹp, sung túc.

DƯƠNG ÚT

(Hết)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn