KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG GIỒNG THỊ ĐAM - GÒ QUẢN CUNG (26/9/1959 - 26/9/2019)

Chiến công vẻ vang đầu tiên của Tiểu đoàn 502 anh hùng

Cập nhật ngày: 25/09/2019 11:05:13

ĐTO - Cách đây năm 60 năm, Tiểu đoàn 502 (nay là Tiểu đoàn bộ binh 502, thuộc Trung đoàn bộ binh 320) giành chiến thắng vang dội ở Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (ngày 26/9/1959). Đây là chiến công xuất sắc đầu tiên của Tiểu đoàn 502 chỉ sau 3 ngày thành lập.


Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 502 bàn tính phương án tác chiến. 
(Ảnh tư liệu)

Tiểu đoàn 502 anh hùng

Theo quyển “Lịch sử Tiểu đoàn 502 Đồng Tháp (1959 - 1975)” của Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp (xuất bản năm 1999), được Tỉnh ủy Kiến Phong chỉ đạo, ngày 23/9/1959, Tiểu đoàn 2 giải phóng quân Bình Xuyên làm lễ tuyên thệ, chính thức ra mắt với tên gọi Tiểu đoàn 502 Kiến Phong. Tiểu đoàn 502 do đồng chí Lê Văn Khuyên (Tám Dần) làm Tiểu đoàn trưởng; Chính trị viên là đồng chí Nguyễn Văn Phàn (Sáu Chang). Chỉ sau 3 ngày ra đời, Tiểu đoàn lập nên chiến công kỳ diệu Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung. Đơn vị liên tục tiến công địch, diệt ác phá kềm, hỗ trợ phong trào nổi dậy của quần chúng ở Mỹ An, Cao Lãnh, Hồng Ngự và nhiều nơi khác. Tiểu đoàn vượt qua mọi khó khăn, anh dũng chiến đấu, giành những thắng lợi như: phục kích đánh địch ở Mỹ Thọ, Mỹ Ngãi, Phong Mỹ, đồn An Bình, sân bay Tân Tịch... Đặc biệt, đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ, diệt 37 tàu.

Tiểu đoàn 502 làm nòng cốt cho phong trào Đồng khởi của tỉnh; cùng nhân dân đẩy mạnh ba mũi giáp công mở rộng vùng giải phóng, tham gia tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Đơn vị kiên cường bám trụ, chống phá bình định, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ; cùng nhân dân đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của địch, tham gia tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng quê hương. Tiểu đoàn 502 mưu trí, sáng tạo nhiều cách đánh phù hợp với đặc điểm chiến trường, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Từ ngày 23/9/1959 đến ngày 6/5/1975, Tiểu đoàn 502 đánh 1.459 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hơn 17.000 tên địch; phá hủy, đánh hư nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ, trong đó có 251 tàu chiến, 35 máy bay, 63 xe bọc thép; thu trên 12.500 khẩu súng các loại, 303 máy thông tin và nhiều tài liệu, đồ dùng quân sự… Với những chiến công hiển hách, Tiểu đoàn 502 vinh dự nhận Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì; Huân chương Chiến công giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba. Gần 1.900 lượt cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được tặng thưởng nhiều Huân chương các loại; hơn 1.200 lượt cán bộ, chiến sĩ đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt ngụy”, “Chiến sĩ quyết thắng”... Đặc biệt, ngày 22/12/1976, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tiểu đoàn 502.


Tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung xây dựng tại xã An Phước, huyện Tân Hồng

Chiến thắng vang dội Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung

Theo kế hoạch, Đại đội Bảy Phú và một phần Đại đội Năm Bình của Tiểu đoàn 502 về làm công tác võ trang tuyên truyền chống phá kế hoạch gom dân của Mỹ ở xã Bình Thạnh (Hồng Ngự). Ngày 25/9/1959, đơn vị tập kết về Giồng Thị Đam thì phát hiện một toán quân địch hành quân bằng xuồng từ Hồng Ngự về Sa Rài. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 502 họp khẩn cấp, phân tích tình hình, nhất trí đánh địch. Đúng như nhận định của Tiểu đoàn, sáng ngày 26/9/1959, quân địch từ Sa Rài hành quân bằng xuồng về Giồng Thị Đam, lọt vào trận địa phục kích. Tiểu đoàn 502 đồng loạt nổ súng. Bị bất ngờ, đội hình địch rối loạn, binh sĩ mất tinh thần quăng súng nhảy xuống nước. Bộ đội ta xung phong tiêu diệt và bắt nhiều binh lính, thu vũ khí. Chiều cùng ngày 26/9/1959, tại Gò Quản Cung (cách Giồng Thị Đam khoảng 3km), một cánh quân khác của địch lọt vào trận phục kích của Tiểu đoàn 502. Đơn vị anh dũng chiến đấu, đa số quân địch bị diệt và bị bắt.

Ở tình thế địch có lực lượng và vũ khí mạnh hơn ta, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn khéo léo sử dựng nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, chọn cách đánh phục kích, ngụy trang kỹ. Đã 60 năm trôi qua nhưng ông Đinh Thuận Tài (SN 1939) ở khóm Mỹ Phú Đất Liền, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh vẫn còn nhớ khá rõ về chiến thắng lịch sử Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung. Ông Tài kể: “Khi đó tôi 20 tuổi, nhập ngũ khoảng 8 tháng, tôi được tham gia đánh trận Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung. Tiểu đoàn chỉ hơn 40 đồng chí mà phải chiến đấu với quân địch đông, được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại. Chúng tôi vừa chiến đấu, vừa phải thu vũ khí, đạn dược để đánh lại chúng. Với 1 khẩu súng trường MAS của mình, tôi chiếm và sử dụng cùng lúc 5 khẩu súng từ quân địch. Tình thế cấp bách nên cứ lấy bắn, chẳng kịp thay đạn”.

Trong 1 ngày, 42 tay súng của Tiểu đoàn 502 chiến đấu 2 trận, diệt gọn Đại đội 12, Đại đội 7 và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 43, Sư đoàn 23 chủ lực ngụy; đánh bại cuộc hành quân cấp Trung đoàn do phân khu Bắc tổ chức. Đơn vị diệt nhiều tên, bắt 105 tù binh, thu 127 khẩu súng và nhiều quân cụ khác. Đặc biệt, Tiểu đoàn 502 thực hiện tốt công tác binh vận, giáo dục, cảm hóa, phóng thích các tù binh và có nhiều tên quyết định giải ngũ. Số thẻ quân nhân của binh sĩ chết trận, bị thương và bị bắt được gửi về gia đình họ kèm thư kêu gọi, hướng dẫn đấu tranh nên nhiều gia đình kéo đến quận, tỉnh đòi chồng con, tiền tử tuất làm cho địch bối rối.


Chiến sĩ Tiểu đoàn 502 tập luyện võ thuật. (Ảnh tư liệu)

Tiếp nối truyền thống vẻ vang

Tin chiến thắng của Tiểu đoàn 502 loan đi nhanh chóng, rộng khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ. Ngoài thắng lợi quân sự, thắng lợi quan trọng nhất là về chính trị. Nó cổ vũ tinh thần, khí thế đấu tranh của nhân dân trong tỉnh, ảnh hưởng lan rộng ra nhiều tỉnh. Nhiều đơn vị tổ chức học tập kinh nghiệm, thanh niên hăng hái tham gia kháng chiến. Đồng bào tích cực đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Về phía địch, thời điểm đó, đây là trận thua rất đậm, rất đau, làm hoang mang trong nội bộ. Tổng thống Ngô Đình Diệm phải chỉ thị cho đại tướng tổng tham mưu trưởng chủ trì cuộc họp Hội đồng quân kỷ để rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân thất bại, xem xét kỷ luật một số sĩ quan và người có liên quan đến cuộc hành quân.

Để ghi dấu sự kiện lịch sử hào hùng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 1999, hoa viên và tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung được xây dựng tại xã An Phước, huyện Tân Hồng. Năm 2004, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích này được giao cho huyện Tân Hồng quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa; trở thành một trong những địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Và giờ đây, sau 60 năm giành thắng lợi vẻ vang và 44 năm đất nước hòa bình, quê hương An Phước đang “thay da đổi thịt” từng ngày.


Chiến sĩ Tiểu đoàn 502 tham gia xây dựng nông thôn mới

Phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 502 nỗ lực thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu. Nâng cao chất lượng huấn luyện cho các đối tượng theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” gắn với yêu cầu “Nhanh, mạnh, chính xác”. Đặc biệt, Tiểu đoàn 502 thực hiện tốt phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tham gia sửa hơn 100 căn nhà tình thương; làm 38km đường đan; phát quang trên 29km đường nông thôn... Đại úy Lê Trần Đức Duy - Chính trị viên Tiểu đoàn bộ binh 502 bộc bạch: “Bản thân tôi nói riêng và tuổi trẻ Tiểu đoàn nói chung rất vinh dự, tự hào khi được học tập, công tác tại Tiểu đoàn bộ binh 502 anh hùng. Thế hệ trẻ Tiểu đoàn hôm nay quyết tâm giữ vững, phát huy tốt truyền thống tốt đẹp của đơn vị, không ngừng học tập và rèn luyện nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã An Phước, với sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự ủng hộ của nhân dân, diện mạo xã An Phước ngày càng khởi sắc. Hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng. Nông nghiệp có bước tiến dài khi hệ thống đê bao xây dựng khép kín; làm đường nội đồng; trạm bơm điện phục vụ nước tưới tiêu. Nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao. Đời sống người dân được nâng lên. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,61%. An Phước cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.

N.AN

* Tài liệu tham khảo: Lịch sử Tiểu đoàn 502 Đồng Tháp (1959 - 1975)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn