Dấu ấn Võ Văn Kiệt nơi vùng đất chín rồng:
Hồi sinh vùng “đất chết”

Cập nhật ngày: 21/11/2012 05:11:22

Từ vùng đất được mệnh danh rốn phèn, rốn lũ, đến nay Đồng Tháp Mười đã trở thành vựa lúa, vùng nuôi trồng thủy sản lớn.

Cách đây mấy chục năm, khi vào vùng Đồng Tháp Mười nghiên cứu trị phèn, một số chuyên gia nước ngoài đã phải lắc đầu bất lực bởi một vùng đất mà “Tới đây xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”. Và Đồng Tháp Mười có lẽ sẽ mãi là vùng đất phèn hoang hóa nếu như không có dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi xướng.


Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhằm đưa vùng đất này phát triển, lãnh đạo Trung ương và địa phương đã quyết tâm trong việc tìm biện pháp chinh phục Đồng Tháp Mười.

Cuối những năm 1980, đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp để bàn về biện pháp khai thác có hiệu quả vùng đất này.

Qua những lần bàn bạc nghiên cứu, năm 1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đây là chương trình trọng điểm cấp Nhà nước do GS-TS Nguyễn Ngọc Trân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Trung ương, làm chủ nhiệm đề tài.

Có thể nói bắt đầu từ thời điểm này, Trung ương chính thức tập trung nghiên cứu, đầu tư khai hoang Đồng Tháp Mười.

Kể từ khi triển khai, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thường xuyên về đây cùng các nhà khoa học khảo sát và có những chỉ đạo sát sao việc khai hoang Đồng Tháp Mười.

Năm 1984, kênh Trung ương được đào xong, dẫn nguồn nước ngọt phù sa từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về tận sông Vàm Cỏ Tây để tăng tốc rửa phèn, cải tạo đất. Nước ngọt dẫn tới đâu, người dân tụ họp về hai bên bờ kênh cất nhà, khai hoang, lập nghiệp tới đó.

GS-TS Nguyễn Ngọc Trân khẳng định: “Trung ương thể hiện sự quan tâm rất sâu sát qua sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt. Qua đó đã thành lập chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL. Bên cạnh đó không thể thiếu sự nỗ lực của người nông dân sinh sống ở khu vực này. Từ đó có thể khai thác từng phần Đồng Tháp Mười”.

Từ cánh đồng đầy cỏ dại, năn, lát, sình lầy, nhờ quá trình khai hóa và gieo trồng, Đồng Tháp Mười đã biến thành cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt. Đến nay, chúng ta đã có đủ cơ sở để khẳng định chủ trương “Tiến công vào vùng Đồng Tháp Mười” là sáng suốt.

Với sự hiểu biết, nhìn xa trông rộng, Đảng, Nhà nước và nhất là Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ đã chỉ đạo và từng bước thực hiện công cuộc khai hóa này thành công như ngày hôm nay.

Từ một vùng “đất chết”, ngập úng, bạt ngàn lau sậy năm nào, đến năm 1987, vùng Đồng Tháp Mười đã trồng được trên 300.000ha lúa. Năm 1996 vượt lên hơn gấp đôi. Hiện nay, chính nơi đây góp phần rất lớn vào việc cung cấp lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phục vụ xuất khẩu.

Với “dấu ấn Võ Văn Kiệt”, vùng Đồng Tháp Mười ngày nay đã có sự phát triển đáng kể trên các lĩnh vực. Ngày nay, những địa danh Tràm Chim, Sa Rài, Mỹ An, Trường Xuân (Đồng Tháp) hay Tân Hưng, Tân Thạnh (Long An) đã được nhắc đến như những vùng đất năng động, đang trên đà đô thị hóa giữa vùng đất hoang sơ, nghèo khó thuở nào. Nơi đây, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được đầu tư nâng cấp góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn. Cuộc sống, ăn ở, sinh hoạt, đi lại, học tập của người dân nông thôn ổn định và được nâng lên một bước.

Ông Lê Văn Đôn, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: “Thuở trước nơi này hoang vu, không thể làm lúa, phèn chua dưới kênh. Cạn thì phèn đỏ rất khó làm ăn. Từ khi Nhà nước đầu tư mở kênh, dẫn nước ngọt, nơi đây bớt phèn. Đã làm lúa 3 vụ, nông dân sản xuất được nhiều thứ, đời sống thoải mái”.

Câu chuyện về những đổi thay của vùng Đồng Tháp Mười càng trở nên lôi cuốn và hấp dẫn hơn khi chính người dân nơi đây cho biết: Vùng đất này ngày nay đã có sự phát triển đáng kể về các lĩnh vực kinh tế -xã hội.

Càng phấn khởi hơn khi đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua vùng Đồng Tháp Mười dài hơn 100 km đã hoàn thành cơ bản. Đây cũng chính là con đường ngắn nhất để vùng Đồng Tháp Mười giao lưu với TP HCM, miền Đông và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khi toàn tuyến thông thương, người dân tin chắc kinh tế cả vùng sẽ biến chuyển rõ rệt hơn nữa.

Chinh phục Đồng Tháp Mười thành công bước đầu, đây chính là một dấu ấn rất quan trọng và đáng tự hào. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vùng Đồng Tháp Mười cần tiếp tục được xây dựng, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh phù hợp với đặc thù, tiềm năng, lợi thế của vùng và yêu cầu trong thời kỳ nước ta chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Lê Vĩnh Tân - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị Trung ương có quy hoạch, định hướng mới. Đây là vùng đất đầy tiềm năng. “Chúng ta đã làm thành công sản xuất lúa thì trong thời gian tới nếu có chính sách đột phá của Trung ương, của địa phương và sự nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân thì nơi đây sẽ phát triển tương xứng với các vùng miền khác của cả nước”, ông Tân nói.

Với tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước mà trong đó là vai trò của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đồng Tháp Mười đã từng bước “thay da đổi thịt” phát triển năng động, thành công như ngày hôm nay. Đến nay, chúng ta đã có đủ cơ sở để khẳng định chủ trương “Tiến công vào vùng Đồng Tháp Mười” là hoàn toàn đúng đắn và tạo được một sự chuyển biến vượt bậc, như một cuộc cách mạng mà bao đời nay chưa làm được.

Thanh Tùng
(Bài 2: Chọc thủng “túi phèn” Tứ giác Long Xuyên)

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng; nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau đó là Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam. Ông là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới, trong đó có dự án thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân Kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông, Báo Đồng Tháp khởi đăng loạt bài: “Dấu ấn Võ Văn Kiệt nơi vùng đất chín rồng” trên các số báo ra ngày 21/11, 23/11 và 26/11. Kính mời độc giả đón xem.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn