Hội thảo khoa học cấp quốc gia về chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Cập nhật ngày: 29/12/2018 03:03:13

Clip minh họa

ĐTO - Chiều 28/12, tại tỉnh An Giang, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “40 năm ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019)”.


Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo

Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo là Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đến dự có đồng chí Trần Đức Lương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết: sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari được các thế lực bên ngoài giúp sức đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta và thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo đối với nhân dân Campuchia. Chỉ trong 4 năm, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari tàn sát gần 3 triệu người dân Campuchia.


Quang cảnh hội thảo

Pôn Pốt - Iêng Xari huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Đi đến đâu chúng cũng tàn phá, cướp bóc, giết hại người dân dã man; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Trước tình thế đó, tháng 12/1977, Việt Nam buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự chủ chính đáng.

Cùng với các tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp anh dũng chiến đấu chống lại bọn Pôn Pốt - Iêng Xari. Đến ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia giải phóng Phnôm Pênh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari.


Lính Pôn Pốt bị bắt vào năm 1978 (Nguồn: Tạp chí Lịch sử Quân sự)

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo, cho rằng: Thắng lợi của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỉ nguyên độc lập, tự do; tạo điều kiện khôi phục lại tình hữu nghị, đoàn kết vốn có giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

Trong hội thảo, Ban Tổ chức nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của những đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; tham luận của những đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử và các nhà khoa học...

Nội dung tham luận phân tích, làm sáng tỏ, đầy đủ hơn những nội dung chủ yếu như bối cảnh quốc tế, nguyên nhân cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam; cuộc chiến tranh thắng lợi đã khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc; nhân dân Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả; khẳng định nguyên nhân thắng lợi, rút ra ý nghĩa và bài học của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.


Đại biểu xem tài liệu về chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Hội thảo khoa học lần này là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Đồng thời, cũng là dịp tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do và cuộc sống bình yên cho hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Hội thảo còn góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập tự chủ và khát vọng hòa bình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn