Chỉ thị số 05-CT/TW động lực phát huy cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống
Kỳ 3: Trọn đời theo gương Bác
Cập nhật ngày: 25/02/2020 18:16:08
ĐTO - Bác Hồ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ sống, lao động, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, vì Đảng vì dân. Tấm gương và những việc làm bình dị của Bác là một triết lý sống, sự bền gan bền chí vượt qua những khó khăn thách thức của cuộc sống. Từ học tập và rèn luyện theo phong cách tác phong của Bác, nhiều người đã miệt mài thuần hóa những đồng ruộng phèn chua hoang hóa thành những cánh đồng ruộng xanh bạt ngàn. Và đâu đó nơi vùng Đất Sen hồng có những người dù ở tuổi 60 vẫn tươi trẻ hoài bão khởi nghiệp với ý nguyện trọn đời theo gương Bác.
>> Kỳ 1: Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội
>> Kỳ 2: Học tập Bác với tinh thần tự giác thường xuyên
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan tặng Thư khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu qua học thực hiện Chỉ thị số 05
Bác ở trong tim
Về ấp 1, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười gặp ông Phan Thanh Hồng một nhân vật điển hình tiên tiến với mô hình “Buôn bán nhỏ vươn lên làm giàu chính đáng”. Trong căn nhà khang trang, hình ảnh Bác Hồ được ông Hồng treo trang trọng và hương khói thường xuyên. Ông Phan Thanh Hồng kể: “Cuộc đời tôi vốn dĩ nhiều vất vả thăng trầm, từ những ngày tháng lênh đênh khắp nơi trên chiếc ghe nhỏ, đến lúc bỏ ghe lên bờ, cất chòi xung quanh là những cánh đồng phèn chua, nắng cháy vắng bóng người. Từ chỉ mướn đất làm, đến đi cày thuê. Mỗi mùa, tôi đi từ đồng này sang đồng khác gặp những nông dân cố cựu hỏi để được chỉ cách nào sạ khô, sạ ngầm sao cho hạt lúa bén rễ trên vùng đất phèn chua. Hình ảnh, tấm gương Bác Hồ luôn ở trong tim tôi, cuộc đời tôi làm theo lời Bác và đã đạt được thành tựu như bây giờ…”.
Vợ chồng ông Phan Thanh Hồng trước ngôi nhà của mình
Từ hai bàn tay trắng, bôn ba khắp nơi, 24 năm tích lũy tiết kiệm, giờ ông Phan Thanh Hồng đã có căn nhà khang trang, với 26ha đất ruộng và 1ha đất vườn, thu nhập mỗi năm gần 900 triệu đồng, các con của ông đi học, có việc làm, cuộc sống thành đạt. Cánh đồng ruộng lúa bao la tít tắp ngay phía sau nhà ông là một minh chứng cho sự kiên nhẫn, bền bỉ của cả hai vợ chồng.
Dù thu nhập mỗi năm gần 900 triệu đồng nhưng ông Hồng tự nhận mình là người rất tiết kiệm, chỉ chi tiêu những thứ gì thật cần thiết. Ông tận dụng những lúc đi thăm đồng, đem theo mành lưới, giăng lưới bắt cá, hái thêm vài cọng rau để ăn uống hàng ngày. Cá giăng lưới dính nhiều, vợ ông ủ nước mắm, làm khô bán thêm tích lũy dành dụm. Những khoảnh đất trống xung quanh nhà ông trồng cây các loại, mít, xoài, ổi, chanh trĩu quả sum suê.
Ông Phan Thanh Hồng đang phun thuốc dưỡng trên diện tích sản xuất lúa của gia đình
Ông Hồng cho biết thêm: “Tất đất tấc vàng, mình phụ đất chứ đất không phụ mình, đất đai nhìn khô cằn vậy chứ nếu con người chịu khó, bền bỉ thì đất cũng sẽ mềm, cây sẽ bám rễ tươi xanh. Tôi tâm niệm với lòng trồng cây nhớ Bác, theo cách nghĩ đơn giản của tôi cứ chổ nào đất trống thì tôi trồng cây. Cây trồng vừa có trái để gia đình dùng quanh năm, cho bà con xung quanh, nhiều thì mang đem bán. Lời dạy của Bác có ý nghĩa dù làm gì thì thất bại đừng nản chí, dù khó khăn cỡ nào cũng cố gắng vượt qua sẽ có được cuộc sống sung túc. Sống thật thà, không tham lam, không giả dối, khiêm tốn học hỏi, học hoài. Lời của Bác, tấm gương đạo đức của Bác quá ý nghĩa…”.
Trọn đời theo gương Bác
Từ một tấm ảnh Bác Hồ được cắt ra trong 1 tờ báo khi còn công tác ở Huyện đội Cao Lãnh, bao năm qua hình ảnh Bác vẫn hiển hiện như in trong trí nhớ đồng chí Nguyễn Thị Khoa – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Cao Lãnh, chủ Cơ sở dưa chua Út Khoa. Đồng chí Nguyễn Thị Khoa kể: “Từ khi tham gia cách mạng năm 1975 và kết nạp Đoàn Thanh niên, tôi đã được nghe các mẫu chuyện về Bác Hồ và ấn tượng sâu sắc với việc làm của Bác. Sau này khi tham công tác chuyên môn, được quán triệt Chỉ thị số 03 rồi đến Chỉ thị số 05, bản thân tôi luôn cố gắng học tập làm theo. Tôi học theo Bác bằng những chuyện đời thường nhất như gần dân, sát dân, cùng với chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền vận động thực hiện các chỉ tiêu được giao…”.
Đồng chí Nguyễn Thị Khoa (bìa phải) khởi nghiệp với sản phẩm dưa chua Út Khoa
Hơn 1 đời người, đồng chí Khoa đã không ít lần trải qua những biến cố của cuộc sống, những lúc ấy với truyền thống bộ đội Cụ Hồ, học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bản lĩnh những ngày tháng trong môi trường quân đội là động lực để vượt qua. 60 tuổi, đồng chí Khoa vẫn duy trì thường xuyên đi thực tế cơ sở, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống của hội viên Hội CCB ở các địa bàn được phụ trách, vận động cất nhà Tình đồng đội, nhà Nghĩa tình đồng đội…
Ngoài công tác Hội CCB và công tác xã hội, đồng chí Nguyễn Thị Khoa còn quyết định khởi nghiệp ở tuổi 60 với suy nghĩ giản đơn làm việc có ích, giúp đỡ người xung quanh, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho những người trẻ. Được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Huyện ủy Cao Lãnh và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cao Lãnh ủng hộ, đồng chí Khoa bắt tay vào làm. Với sự khéo léo của bản thân sản phẩm dưa chua từ nguyên liệu có sẵn tại địa phương như ngó lục bình, trái sung, cọng sả… và Cơ sở dưa chua Út Khoa được hình thành.
Đồng chí Nguyễn Thị Khoa tranh thủ thời gian chăm sóc ao cá nuôi của gia đình
Những cọng ngó lục bình màu nâu đen được hái về bào sạch vỏ, trụng sơ. Sự khéo léo, kiên nhẫn cộng với bí quyết liều lượng vừa đủ tạo thành một sản phẩm dưa chua giòn, đủ vị ngọt, chua, cay cay hấp dẫn. Cơ sở dưa chua Út Khoa còn chọn trái sung để làm dưa chua. Dưa trái sung có vị ngọt, chua nhẹ, hơi chát, bùi kích thích vị giác, rất riêng không thể lẫn. Quá trình tìm tòi học hỏi làm sản phẩm dưa chua từ nguyên liệu thiên nhiên gặp không ít khó khăn, nhiều lần làm, thất bại, rồi lại làm và cuối cùng thành công. Mỗi năm, Cơ sở dưa chua Út Khoa cung ứng cho thị trường trong, ngoài tỉnh khoảng 2.000 hộp dưa chua, thu về lợi nhuận trên 12 triệu đồng, tạo việc làm cho lao động địa phương trong thời gian nhàn rỗi.
Bà Nguyễn Thị Nhị (66 tuổi) – làm việc tại Cơ sở Dưa chua Út Khoa chia sẻ: “Tôi lớn tuổi cũng khó tìm việc làm, từ khi có Cơ sở dưa chua Út Khoa thì tôi có việc làm trong thời gian rãnh. Công việc cũng đơn giản như rửa, bào vỏ, cắt khúc nguyên liệu làm dưa chua. Nguồn thu nhập tuy không cao nhưng cũng giúp tôi và những cháu khác làm tại cơ sở có thêm một phần chi phí chi tiêu trong gia đình…”.
Dù ở cương vị nào, công việc nào, hình ảnh Bác và nghị lực người lính Cụ Hồ vẫn sắt son cùng năm tháng. Đồng chí Nguyễn Thị Khoa cho biết thêm: “Bản thân tôi khi nghỉ hưu từng dự tính có cuộc sống an nhàn cùng con cháu, nhưng tôi nghĩ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc học tập cả đời. Bởi thế, dù đã 60 tuổi nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục rèn luyện, học tập theo Bác và cố gắng xây dựng hình ảnh người cựu chiến binh gương mẫu để làm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cao Lãnh xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng là người con của Đất Sen hồng…”.
D.Chinh – C.Phương – P.Lộc