Những điểm đến mới, lạ ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 28/08/2017 14:41:34

Từ cuối năm 2016, du lịch Đồng Tháp chuyển động mạnh, có một cuộc cách mạng thay đổi nhận thức về du lịch.


Du khách tham quan du lịch Homestay Ngôi nhà Hoa Ếch. Ảnh: Hữu Nghĩa

Du lịch Đồng Tháp lâu nay chỉ vào hạng em út của Tây Nam bộ. Các điểm đến khá phong phú nhưng lại rời rạc, thiếu liên kết; chưa biết tận dụng các thế mạnh của từng nơi. Du khách chỉ đi lướt qua chứ ít khi lưu trú. Quanh quẩn với cụm di tích văn hóa lịch sử là Khu di tích (KDT) cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh), KDT Xẻo Quít - thủy đạo Thép (huyện Cao Lãnh). Dù là di tích Quốc gia đặc biệt nhưng Gò Tháp (huyện Tháp Mười) không bán vé và rất ít khách biết. Bên cạnh là Đồng sen với những cánh đồng sen bạt ngàn. Du lịch sinh thái thì có Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh), Tràm chim - Khu ramsar thế giới (huyện Tam Nông). Ẩm thực có làng nem và những vườn quít hồng (huyện Lai Vung). Nổi bật hơn cả là TP.Sa Đéc, có làng hoa Tân Qui Đông với gần 300ha trồng hơn 2.000 loài hoa ngoài trời; có các kiến trúc cổ như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa cổ Kiến An cung...

Từ cuối năm 2016, du lịch Đồng Tháp chuyển động mạnh, có một cuộc cách mạng thay đổi nhận thức về du lịch, từ những lãnh đạo cao nhất của tỉnh, đang diễn ra âm thầm mà mạnh mẽ; từ các lớp tập huấn kiểu mới, cả nội dung lẫn hình thức, cho đến việc hình thành các cơ quan hành động. Đồng Tháp có Bé Sen ngộ nghĩnh đáng yêu nhắc nhở mọi người hành xử văn minh nơi công cộng. Tỉnh thành lập Trung tâm Phát triển Du lịch, Trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh với các thành viên thiết thực, năng động. Lãnh đạo tỉnh, cán bộ, doanh nghiệp và cả người dân, cùng các chuyên gia tư vấn thực tiễn đi khảo sát các mô hình để vận dụng, sau đó, dành thời gian thực địa từng địa phương, tìm cho ra những cái độc đáo của riêng mình với từng bước đi cụ thể.

Từ năm 2017, Đồng Tháp trình làng một loạt các điểm đến mới, lạ; không đụng hàng. Trong đó, có những điểm sẵn có, lâu nay không ai để ý, có lẽ bởi tâm lý “Bụt nhà không thiêng”.

Đó là đền thờ chủ chợ Cao Lãnh - ông bà Đỗ Công Tường, người sáng lập ra chợ Cao Lãnh, từ đầu thế kỷ XIX. Ông có tên thường gọi là Lãnh, giữ chức Câu Đương, một chức nhỏ trong làng. Nhờ công đức và tấm lòng vị tha, quên mình vì dân, ông được người dân địa phương lập đền thờ hoành tráng, là di tích văn hóa của tỉnh. Đền thờ cả ông và bà, ngay sát chợ TP.Cao Lãnh. Ông là chủ chợ duy nhất ở Việt Nam được thờ và tôn hàng thần thánh trong tín ngưỡng dân gian. Các đền, miếu ở Đồng Tháp đều thờ cả ông lẫn bà như Tiền hiền Nguyễn Hiền (TP.Cao Lãnh), ông bà Cồn (cồn Phú Mỹ, huyện Thanh Bình)...

Đó là “làng” Hòa An trong khuôn viên KDT cụ Phó bảng. Làng có nhiều nhà sàn cổ Nam bộ bằng gỗ cao cấp, đủ kiểu dáng của các địa chủ và người giàu có thời xưa. Có nhà chữ Đinh, Bát Dần, Nọc Ngựa, nhà ông Nhì Ngưu (Hương Cả), nhà ông Năm Giáo - người cưu mang cụ Phó bảng năm xưa. Có những căn nhà tuềnh toàng của các tá điền, những người cả đời làm thuê nghèo khó và những hình nhân tái hiện sinh hoạt của làng với cảnh quan quen thuộc. Từ sông nước, ghe tam bản, cầu khỉ, lưới vó, các dụng cụ bắt cá cho đến giàn bầu bí, trầu cau, hàng rào hoa và cách sắp đặt “trước trồng cau, sau trồng chuối”... Mục đích là để khách tham quan, tìm hiểu về văn hóa Nam bộ. Sau khi được tư vấn, làng Hòa An đang tận dụng các nhà sàn cổ làm lưu trú, từng bước nâng cấp thành làng du lịch cao cấp độc đáo.

Đó là làng bột Sa Đéc, cung cấp bột không chỉ cho Nam bộ và Campuchia mà thương hiệu Bích Chi một thời thống trị thị trường bột dinh dưỡng ở miền Nam trước 1975. Bột Bích Chi là câu chuyện tuyệt vời về tình phụ tử và cả lòng yêu nước của ông Trần Khiêm Khánh (sinh năm 1928) với cô con gái rượu cùng tên (sinh năm 1966) bị suy dinh dưỡng. Ông lấy tên con gái đặt cho loại bột dinh dưỡng mà những thế hệ 7X ở miền Nam dùng phổ biến, chỉ sau sữa mẹ.

Điểm mới bất ngờ nhất là đi xe lam vào viếng chùa cổ Bửu Lâm (còn gọi là chùa Tổ, chùa Cái Bèo, huyện Cao Lãnh). Chùa thu hút khách không phải vì kiến trúc xây dựng từ thế kỷ XVIII (không rõ năm), gắn liền lịch sử Đồng Tháp mà bởi ẩm thực chay đúng nghĩa do Đại đức Thích Lệ Ngộ và các phật tử chế biến. Khai vị với “Ngũ sắc sum vầy” và gỏi “Tâm giao bằng hữu”. Các món chính có bánh xèo “Nhật - Nguyệt thủy chung”, cà ri “Nhân duyên hòa hợp”, kiểm “Bốn phương hội ngộ” và lẩu “Thiên - Địa đồng tâm”... Mới nghe là muốn thử và lỡ ăn là nhớ, là ghiền.

Điểm mới ngạc nhiên nhất là cồn Phú Mỹ, một cù lao nhỏ, chưa tới 90ha và gần 1.000 dân; nép mình bên sông Tiền (thị trấn và huyện Thanh Bình). Nét mê hoặc Phú Mỹ là sự thân thiện và hiếu khách của cả làng. Đường làng hẹp, trồng đầy hoa, thi thoảng có những chiếc ghế dân dã cho khách ngồi nghỉ; có cả mấy giỏ rác sinh thái nên làng lúc nào cũng tinh tươm sạch sẽ. Ấn tượng nhất là những ngôi nhà sàn chống lũ đặc trưng Nam bộ, chỉ sơn 2 màu xanh - trắng, bao bọc bởi những vườn cây trĩu quả. Có “thảm” rau nhút (còn gọi là rau rút, rau quyết) trên phụ lưu sông Tiền với những dải chai pet nhựa nhấp nhô làm phao cố định và tăng năng suất cho rau. Hoa nhút vàng duyên dáng giữa thảm xanh và sông nước, đẹp ngỡ ngàng. Làng có những cây xoài ngũ sắc (5 loại quả), có lão nông Nguyễn Văn Cường, chỉ học tới lớp 7 mà chế tạo máy xới đa năng từ xe Honda cup 78. Phú Mỹ có bộ sưu tập hàng trăm cây ô môi - hoa báo Xuân, trái báo Hè - loài hoa đặc trưng Nam bộ...

Điểm lạ nhất là làng lò gạch ở huyện Châu Thành. Lò nào cũng có tường xây gạch thẻ, dày từ 0,8 - 2m tùy độ cao. Đường kính lọt lòng trên dưới 10m và cao từ 10 - 17m. Do việc sản xuất tạo khí thải, gây ô nhiễm môi trường nên các lò gạch thủ công cả Nam bộ đều phải chấm dứt hoạt động. Tỉnh nào cũng có kế hoạch giải tỏa và xóa sổ. Đồng Tháp còn hỗ trợ 10 triệu đồng chi phí cho mỗi lò gạch được tháo dỡ. Hàng tấn gạch vụn chưa biết xử lý thế nào nếu tháo dỡ thì các chuyên gia yêu cầu “đừng đập phá và giữ nguyên hiện trạng” để làm du lịch. Những lò gạch bỏ hoang giờ trở thành điểm tham quan lý thú, đẹp không chê vào đâu được, nhất là lúc hoàng hôn và những đêm trăng rằm. Hình chụp bằng flycam cứ ngỡ là Mandaylay ở Myanmar hoặc các tiểu kim tự tháp ở Ai Cập. Những lò gạch bỏ hoang sẽ được cải tạo thành các quán cà phê, nhà hàng, điểm shopping, thư giãn và khách sạn. Dĩ nhiên phải nghiên cứu cấu trúc, đo đạc, khảo sát các thông số kỹ thuật và qui hoạch cụ thể. Trong lúc chờ cải tạo, làng lò gạch là điểm tham quan gây ấn tượng mạnh nhất.

Các điểm xây dựng mới có Nam Phương Linh Từ - đền thờ Đặng tộc phương Nam và những người có công khai khẩn, mở mang bờ cõi. Đền thờ bề thế, thiết kế tinh tế, điêu khắc sắc sảo; thay lời muốn nói, bày tỏ lòng biết ơn tiên tổ. Đây là cách nghĩ và cách làm táo bạo theo phong cách bộc trực và công bằng Nam bộ, của một người dân Đồng Tháp, ông Đặng Phước Thành. Nam Linh Từ đang từng bước hình thành khu du lịch văn hóa liên hoàn với nhiều hạng mục.

Homestay Hoa Ếch ở làng hoa Sa Đéc là bước khởi đầu cho hệ thống Homestay CBT ở cả khu vực phía Nam. Cuối năm nay, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống cùng khánh thành, nối Đồng Tháp gần hơn với Sài Gòn và các tỉnh. Nhà Cộng đồng đa năng ở cồn Phú Mỹ đang khẩn trương triển khai để đón khách lưu trú. Các khu du lịch đều có kế hoạch nâng cấp.

Về Đồng Tháp nhớ thử món hủ tíu Bà Sẩm “rẻ và ngon nhất thế giới” ở Sa Đéc chỉ 6 - 10.000 đồng/tô. Các nhà hàng mới như Riverside (Sa Đéc) thoáng mát, rộng rãi; còn Đầm Sen (TP.Cao Lãnh) là nhà hàng giữa bạt ngàn sen trong phố, quanh năm có sen nở. Nhắc du khách đi Gáo Giồng xem chim phải tầm 17 - 18 giờ, rồi ăn tối luôn là tốt nhất.

NGUYỄN VĂN MỸ (Lửa Việt Tours)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn