Trường Đại học Đồng Tháp với cam kết đảm bảo điều kiện việc làm của sinh viên các ngành sư phạm từ khóa tuyển sinh năm 2019

Cập nhật ngày: 06/12/2018 05:36:27

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019 trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý. Sự kiện này được đánh giá là một dấu mốc quan trọng của giáo dục đại học, vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhất là đối với các trường có đào tạo sư phạm (SP).


Sinh viên Khoa Sư phạm Ngoại ngữ cùng chia sẻ với các du học sinh đang học tại Trường Đại học Đồng Tháp

Về chính sách đối với sinh viên SP, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, đồng nghĩa với việc sinh viên SP sẽ không còn được miễn học phí mà thay vào đó sẽ là chính sách tín dụng SP. Trước bối cảnh đó, Trường Đại học Đồng Tháp cam kết đảm bảo điều kiện việc làm của sinh viên một số ngành SP từ khóa tuyển sinh năm 2019. Đây có thể là một giải pháp đột phá, một cam kết mạnh mẽ, khẳng định chất lượng đào tạo và trách nhiệm đồng hành cùng người học.

Theo kế hoạch, trường sẽ chính thức áp dụng chính sách này từ khóa tuyển sinh năm 2019. Những ngành được lựa chọn áp dụng trước hết là những ngành trường đang hướng đến đào tạo chất lượng cao như: SP Toán học, SP Hóa học, Giáo dục Tiểu học. Đến năm 2020, nhà trường sẽ tổ chức sơ kết hiệu quả mô hình, sau đó sẽ tiếp tục triển khai áp dụng với những ngành đang có thế mạnh như: Giáo dục Mầm non, Giáo dục thể chất, SP Ngoại ngữ và các ngành khác.

Đồng thời từ năm học 2018 – 2019, trường tập trung thực hiện việc xây dựng, đánh giá và phát triển chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng thực tiễn, đáp ứng với nhu cầu của nghề SP trong bối cảnh mới; có sự gắn kết với đơn vị tuyển dụng giáo viên trong việc xây dựng, đánh giá và phát triển chương trình đào tạo; sử dụng hiệu quả ý kiến cựu người học, đơn vị tuyển dụng giáo viên để cải tiến chất lượng chương trình đào tạo; chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và trang bị kỹ năng cho người học; chủ động đổi mới phương thức đào tạo theo hướng phối hợp hiệu quả và chặt chẽ giữa đào tạo trong và ngoài nhà trường; xây dựng quy trình công nhận thời lượng và kiến thức khi sinh viên học tập, thực hành, thực tập tại các cơ sở giáo dục, trường phổ thông, mầm non, trên nguyên tắc thỏa thuận hợp tác chặt chẽ giữa các bên.

Kế hoạch được triển khai trước hết đối với những ngành nhà trường có truyền thống đào tạo thế mạnh trong nhiều năm qua, đồng thời đây là những ngành có liên quan đến các chuyên ngành thạc sĩ của trường đang đào tạo. Đội ngũ giảng viên giảng dạy các ngành này đã được đào tạo và bồi dưỡng trong nhiều năm qua, đảm bảo có chất lượng cao về chuyên môn, ngoại ngữ, học vị, kinh nghiệm đào tạo... Đồng thời, kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo mũi nhọn của trường sau một năm đang ở tỉ lệ gần 90%, dự báo nhu cầu xã hội về lực lượng lao động các ngành này đến năm 2023 là tương đối cao.

NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ: “Tôi không lo ngại về việc thay đổi miễn học phí đối với sinh viên SP sẽ giảm sức hút của trường SP mà có suy nghĩ lạc quan là cam kết của nhà trường sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn của trường SP với học sinh giỏi vào học SP. Thay đổi chính sách học phí là một thách thức, tuy nhiên sẽ là cơ hội nếu nhà trường cam kết tốt nghiệp có việc làm, song song với việc triển khai các giải pháp và đồng bộ để hỗ trợ người học.

Để làm được điều này, bên cạnh hệ thống giải pháp truyền thống đã triển khai, nhà trường đang từng bước hoàn thiện “hệ thống dữ liệu về cựu người học”, tiếp tục phát huy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, xây dựng mạng lưới kết nối cựu người học với nhà trường, phát huy sức mạnh kết nối của Hội Sinh viên các khoa đào tạo SP, Hội Cựu sinh viên và Hội Cựu giáo chức của trường trong việc góp phần hỗ trợ sinh viên SP tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cũng đồng quan điểm khi khẳng định vấn đề đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp và có nguồn thu nhập tốt là giải pháp căn cơ để thu hút sinh viên giỏi vào SP. Bên cạnh sự nỗ lực và đổi mới tự thân, các trường SP mong muốn các Bộ, ngành hữu quan và các địa phương có phương án công khai nhu cầu tuyển dụng giáo viên các bộ môn ở phổ thông từ năm 2022 trở đi, tăng cường đầu tư thiết bị dạy học tối ưu cho các trường SP, có chính sách ủng hộ các trường SP tổ chức các mô hình trường đại học kết nối – chia sẻ trong cùng hệ thống các trường SP, với cộng đồng và các trường đại học quốc tế chất lượng cao.

HIẾU TRI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn