Tự hào sự nghiệp trồng người

Cập nhật ngày: 18/11/2015 12:35:17

Thời gian trôi, nhiều thầy, cô vẫn giữ trọn vẹn niềm đam mê nghề, tận tụy với học trò. Dù ở vùng sâu hay nơi phố thị, vẫn có những người thầy, cô cần mẫn hàng ngày đến trường truyền đạt kiến thức để các em thành người có ích. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi đã gặp gỡ những thầy, cô giáo, những người đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng, Bằng khen của UBND tỉnh, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia, Viên phấn vàng;  những người đã đồng hành cùng bao thế hệ học sinh (HS).

Cô Nguyễn Thanh Tuyết - Tổ phó Tổ Hóa – Sinh - Công nghệ Trường THCS-THPT Nguyễn Văn Khải (huyện Cao Lãnh): “Giận thì la các em thôi, chứ không thể bỏ các em được...”


Cô Nguyễn Thanh Tuyết

Lời chia sẻ chân thành của cô Tuyết cũng là lời nói trong tâm của những thế hệ thầy, cô giáo sống hết lòng vì học trò. Hơn 30 năm gắn bó với Trường THCS-THPT Nguyễn Văn Khải, ngôi trường có gần 50% HS có hoàn cảnh khó khăn, cô Tuyết quan tâm đến học trò học yếu, học dở, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho HS giỏi. Với tấm lòng thương yêu học trò, cô thường đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh HS, sau đó vận động những học trò cũ thành đạt hỗ trợ học bổng, tập vỡ, đồng phục. Năm học 2015-2016, cô vận động được 300 bộ đồng phục giúp đỡ HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn. Cô Tuyết chia sẻ “Điều tôi vui nhất là khi đang giảng bài, nhìn xuống những ánh mắt các em đang chăm chú theo dõi, lắng nghe. Từ giảng dạy HS thường, đến bồi dưỡng HS giỏi, tôi luôn cố gắng cập nhật kiến thức, thông tin chọn những kiến thức hay truyền đạt cho các em...”. 

Thầy Đặng Quốc Trung - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Trường THPT Chu Văn An (TX.Hồng Ngự): “Để các em yêu thích môn Văn, tôi giảng dạy các em bằng những ngôn từ bình dị, gần gũi nhất để các em dễ hiểu nhất...”.


Thầy Đặng Quốc Trung

Nhắc đến thầy Trung, nhiều thế hệ học trò Trường THPT Chu Văn An có ấn tượng đẹp với thầy nhờ sự gần gũi, tinh thần trách nhiệm. Để đạt kết quả cao trong luyện HS giỏi cấp tỉnh, thầy miệt mài tìm kiếm những HS có năng khiếu để bồi dưỡng, rèn luyện. Nhiều năm liền, thầy đều có HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, thầy rất có “duyên” với HS chậm tiến. Để cải thiện kết quả học tập các em, thầy thành lập mô hình phụ đạo HS yếu, cán bộ lớp kèm HS yếu, học tập theo nhóm... Gắn bó với Trường THPT Chu Văn An 10 năm, với thầy Trung có quá nhiều kỷ niệm khó phai. Thầy tâm sự: “Chọn nghề giáo, nhiệm vụ của tôi là làm sao để các em dễ hiểu bài, tiếp thu bài được tốt hơn; khuyến khích các em tham gia hoạt động phong trào. Bản thân tôi luôn cập nhật kiến thức để chuyển tải những điều bổ ích, mới đến với các em. Tôi luôn mong muốn các em học tốt hơn, giỏi hơn để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội...”.

Thầy Tô Ngọc Sơn - giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (TP.Cao Lãnh): Tôi muốn truyền đạt cho HS những bài giảng tốt, để các em có được kiến thức bền vững nhất ngay từ cấp Tiểu học...”. 


Thầy Tô Ngọc Sơn

Gắn bó với Trường Tiểu học Chu Văn An từ năm 2003, hơn 10 năm giảng dạy, thầy Sơn luôn hết lòng vì học trò. Những giờ dạy lớp của  thầy luôn sôi động, thu hút HS. Thầy quan tâm giúp đỡ từng em từ HS nhút nhát đến các em vốn đã có học lực giỏi. Thầy Sơn chia sẻ: “So với những năm trước đây, giờ trường được đầu tư, trang bị rất tốt. Được giảng dạy HS trong môi trường như thế tôi rất vui. Tôi sẽ chọn nghề giáo, yêu thích nghề giáo cho đến khi không thể đứng lớp được nữa...”. Chính vì lòng yêu thương học trò, sự nỗ lực của bản thân, thầy Sơn luôn đồng hành với HS mỗi ngày với mong muốn các em sẽ giỏi hơn, đạt thành tích tốt hơn trong học tập.

Thầy Võ Thanh Hùng - Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Trần Quốc Toản (TP.Cao Lãnh): “Muốn gắn bó giảng dạy với học trò trường vùng ven còn nhiều thiếu thốn...”.


Thầy Võ Thanh Hùng

Từ nhỏ thầy Hùng đã có ước mơ làm thầy giáo. Sau khi tốt nghiệp, thầy về giảng dạy tại Trường THPT Trần Quốc Toản. Nhà cách trường gần 10km, nhưng thầy đều không ngại khó.

Trong lớp thầy chủ nhiệm, những HS có hoàn cảnh khó khăn được thầy trích lương giúp đỡ các em đóng quỹ lớp, học phí. Những HS có học lực yếu, kém, thầy dạy phụ đạo miễn phí cho các em ngay tại trường vào các buổi chiều. Ngoài việc học hỏi đồng nghiệp, thầy còn chia sẻ những kiến thức hay, phương pháp giảng dạy mới với đồng nghiệp. Nói về nghề giáo, thầy Hùng chia sẻ: “Bản thân được Ban Giám hiệu trường, Sở GD&ĐT tạo điều kiện tham gia tập huấn, nâng cao trình độ, chuyên môn. Gắn bó hơn 10 năm với HS vùng ven thành phố, chưa bao giờ tôi có cảm giác chán nghề, chính các em, đồng nghiệp là động lực để tôi yêu thích, gắn bó với nghề ...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn