Kính viễn vọng Australia phát hiện thêm tín hiệu vô tuyến bí ẩn

Cập nhật ngày: 24/05/2017 06:35:58

Chớp sóng vô tuyến mới phát hiện ở cách 6 tỷ năm ánh sáng càng khiến các nhà thiên văn học bối rối hơn về nguồn phát tín hiệu.


Chớp sóng vô tuyến mới phát hiện đến từ chòm sao Leo. Ảnh: Popular Mechanics

Chỉ 4 ngày sau khi bắt đầu nghiên cứu, kính viễn vọng Australian Square Kilometre Array Pathfinder (ASKAP) nằm gần Murchison, Western Australia, phát hiện một loạt sóng vô tuyến hiếm gặp, còn gọi là chớp sóng vô tuyến đến từ chòm sao Leo, Longroom hôm qua đưa tin.

Những tín hiệu đặc biệt này chỉ kéo dài vài mili giây, được cho là có nguồn gốc cách xa hàng tỷ năm ánh sáng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ điều gì sinh ra chúng.

Nhóm nghiên cứu từ Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Đại học Curtin và Trung tâm nghiên cứu thiên văn vô tuyến quốc tế (ICRAR) phát hiện chớp sóng mới trong khi chỉ sử dụng 8 mặt đĩa kính viễn vọng.

Kính viễn vọng ASKAP trang bị tổng cộng 36 đĩa, có thể quan sát một vị trí trên bầu trời hoặc chĩa vào nhiều hướng khác nhau. Khi sử dụng 8 mặt đĩa, thiết bị có thể cùng lúc theo dõi bao quát 240 độ.

Chớp sóng mới ký hiệu FRB170107, cực sáng nên rất dễ phát hiện. Thông qua sử dụng nhiều mặt đĩa hơn, nhóm nghiên cứu có thể phát hiện thêm nhiều chớp sóng. Chớp sóng mới nhất đến từ rìa chòm sao Leo.

Nhiều khả năng, FRB170107 đã di chuyển qua vũ trụ trong 6 tỷ năm ở tốc độ ánh sáng trước khi được kính viễn vọng phát hiện. Độ sáng và khoảng cách của nó chỉ ra chớp sóng này có liên quan tới một nguồn năng lượng khổng lồ.

Tuy nhiên, phát hiện mới càng khiến vấn đề xác định nguồn phát tín hiệu trở nên khó khăn hơn. "Chúng tôi đang khiến một vấn đề khó trở nên càng khó hơn", tiến sĩ Ryan Shannon, người phân tích độ mạnh và vị trí chớp sóng, cho biết.

Phương Hoa (VNE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn