Thằn lằn cổ đại 'hồi sinh' sau 300 triệu năm
Cập nhật ngày: 19/01/2019 07:02:20
Thằn lằn khổng lồ dài 1,5 mét sinh sống trên trái đất cách đây gần 300 triệu năm được hồi sinh dưới dạng một con robot.
Các nhà nghiên cứu Đức hồi sinh thằn lằn Orobates pabsti sử dụng các bản scan kỹ thuật số và mẫu hóa thạch nguyên vẹn, Sun đưa tin. Nghiên cứu giúp họ tìm hiểu cách động vật chuyển từ biển lên đất liền.
Thằn lằn O. pabsti xuất hiện trước cả khủng long, bò sát, chim và động vật có vú. Nhóm nghiên cứu đối chiếu các hóa thạch của loài này với dấu chân được bảo quản hoàn hảo, từ đó tạo ra hình ảnh mô phỏng trên máy vi tính và một con robot tên OroBOT để xem xét chuyển động của nó. Cách thằn lằn O. pabsti di chuyển giúp nó đi trên đất liền và vươn xa khỏi mặt nước. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm 16/1 hé lộ loài thằn lằn này đi thẳng hơn so với suy đoán trước đây.
Robot OroBOT được dựng dựa trên hóa thạch thằn lằn O. pabsti. Ảnh: SWNS.
Bộ xương hoàn chỉnh của loài họ hàng nguyên thủy với bò sát hiện đại được khai quật cách đây hai thập kỷ tại một mỏ đá trên dãy núi Thuringian Forest ở miền trung nước Đức. Các nhà nghiên cứu phân tích 4 loài động vật lưỡng cư và bò sát còn sống ngày nay để dựng lại cách bước đi của O. pabsti. Loài vật này dài khoảng 1,5 mét, nặng 4 kg, có thân và đuôi dài, chân ngắn, hộp sọ nhỏ giống cá sấu. O. pabsti có chung tổ tiên với con người, rắn, rùa, cá sấu, chim và động vật có vú.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy O. pabsti có cách vận động tiến bộ hơn nhiều giả định trước đây về những động vật bốn chân thuở sơ khai. Theo như chúng tôi biết, chưa có ai từng phục dựng cách vận động của động vật bốn chân bằng nhiều phương pháp định lượng như vậy", tiến sĩ John Nyakatura ở Đại học Humboldt tại Berlin, Đức, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
An Khang (VNE)