Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm chính trong việc giải ngân vốn đầu tư công

Cập nhật ngày: 02/04/2024 16:52:07

ĐTO - Chiều ngày 2/4, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì họp trực tuyến về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đại diện các ngành, đơn vị, địa phương đã trao đổi, kiến nghị giải quyết các khó khăn để đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn trong thời gian tới.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa phải) nghe các địa phương báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh (kể cả vốn năm 2023 kéo dài chuyển sang) là 6.929,543 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân đến ngày 27/3 là 1.448,178 tỷ đồng/6.929,543 tỷ đồng, đạt 20,90% và đạt 21,18% so với Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 7,94% so với cả nước (theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán quý I năm 2024 của cả nước là 12,96%) và thấp hơn 9,71% so với cùng kỳ (quý I năm 2023 là 30,61%).

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 chủ yếu do 2 nguyên nhân. Một là, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1) đã giải ngân 533,211 tỷ đồng/745 tỷ đồng, đạt 71,57% so với kế hoạch vốn đã bố trí cho dự án, chủ yếu là tạm ứng chi trả đền bù cho dân; Dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân 241,603 tỷ đồng/290 tỷ đồng, đạt 83,31%, do dự án này đã được tỉnh chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2022 nên năm 2023 giải ngân ngay khi được bố trí vốn. Như vậy, tổng giá trị giải ngân của 2 dự án là 774,814 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,89% tỷ lệ giải ngân cho tổng vốn 2023 so với cùng kỳ và các dự án khác giải ngân chiếm 17,72%.

Hai là, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn tỉnh, dự kiến tháng 9/2024 mới có nguồn cung ứng cát cho các công trình sử dụng vốn đầu tư công của tỉnh và chỉ có khoảng 3 triệu m3 cát/9,3 triệu m3 cát (nhu cầu), chỉ đáp ứng khoảng 31% so với nhu cầu. Như vậy, nguồn cung ứng cát thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu dẫn đến tình trạng khó khăn cho các công trình có nhu cầu cát san lấp mặt bằng và xây dựng công trình thêm trầm trọng. Từ đó, dẫn đến giá cát ngày càng cao so với giá được phê duyệt, tiến độ thi công công trình chậm, giải ngân những tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ và dự kiến cuối năm 2024 khó đạt tỷ lệ 100%.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương tập trung cao độ cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; gom các công trình gặp khó khăn về cát san lấp để có giải pháp riêng; đổi mới phương thức điều hành công tác đầu tư công, chủ động giải quyết các nội dung liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, tạo đà tăng tốc cho những tháng tiếp theo…

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, người đứng đầu (chủ đầu tư) chịu trách nhiệm chính trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đạt yêu cầu nên phải thường xuyên quan tâm, theo dõi tiến độ từng công trình, kịp thời phối hợp giải quyết các khó khăn, xem xét kỹ năng lực của các nhà thầu,…

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn