Huyện Cao Lãnh
Xây dựng trạm bơm điện phát triển sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 26/10/2012 05:43:32

Với nhu cầu chủ động bơm tưới, giảm giá thành sản xuất, góp phần rất lớn vào việc phát triển sản xuất nông nghiệp..., nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng trạm bơm điện, trong đó huyện Cao Lãnh đang từng bước xây dựng và hoàn thiện thông qua đề án phát triển trạm bơm điện huyện 2011-2015.

Trong năm 2011, huyện đã đầu tư được 17/26 công trình trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu cho 2.931/3.234ha đất sản xuất lúa, đạt 90,6% kế hoạch. Ngoài ra, xây dựng được 3km điện 1 pha và 4 km điện trung thế 3 pha với tổng kinh phí đầu tư 15.398 triệu đồng. Từ đó góp phần nâng tổng số 106 trạm đi vào hoạt động, phục vụ 19.148ha diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được tưới, tiêu bằng bơm điện, trong đó diện tích sản xuất lúa chiếm gần 60%.

Theo kế hoạch trong năm 2012, huyện sẽ thực hiện xây dựng 21 trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu cho 3.550ha đất sản xuất lúa. Đến nay, các chủ đầu tư đã lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, trình cơ quan chuyên môn huyện thẩm định được 16 trạm bơm điện, riêng các trạm còn lại đang tìm chủ đầu tư xây dựng. Ước tính đến cuối năm 2012, huyện sẽ xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 18/21 trạm, nâng tổng số trạm bơm điện toàn huyện là 123 trạm.

Thời gian qua, huyện đã phối hợp với ngành điện lực tiến hành rà soát, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng trạm bơm, ưu tiên đầu tư những công trình có đủ điều kiện khai thác. Qua đó theo dõi, nhắc nhở các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, sớm đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất.

Song song đó, huyện tổ chức đẩy mạnh thực hiện kêu gọi đầu tư, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để đầu tư phát triển trạm bơm điện, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia đầu tư xây dựng trạm bơm điện theo hình thức nhân dân tự hùn vốn.

Để đạt được kết quả như trên, huyện đã đẩy mạnh thực hiện các ưu đãi, tiếp tục duy trì chính sách thu hồi vốn do ngân sách Nhà nước đầu tư cống hở, công ngầm đối với các xã vùng Bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp và một số xã thuộc bờ Nam. Bên cạnh đó, chủ đầu tư là doanh nghiệp, cá nhân thì Nhà nước cho mượn vốn đầu tư xây dựng cống hở, cống ngầm, trong đó thu hồi 50% vốn cống ngầm và 100% cống hở. Riêng đối tượng chủ đầu tư là các hợp tác xã thì chỉ thu hồi 50% tiền cống hở, cống ngầm hỗ trợ 100%.

Các xã vùng ven quốc lộ 30 do diện tích trong từng khu vực đê bao tương đối nhỏ cộng thêm sự đan xen diện tích vườn, người dân sử dụng nguồn nước tự chảy là chính nên việc xây dựng trạm bơm được ưu đãi nhiều hơn nhằm khuyến khích đầu tư. Các doanh nghiệp, cá nhân được ưu đãi 100% kinh phí đầu tư xây dựng cống hở, cống ngầm, nâng cấp đê bao, xây dựng mới và nâng cấp đường điện trung thế... Ngoài những yếu tố trên, các đối tượng là hợp tác xã còn được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy biến áp.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện, việc thực hiện đề án triển khai còn chậm, do nhiều địa phương phải thay đổi chủ đầu tư nhiều lần, các công trình cống ngầm các xã đầu tư chậm, không tìm được đơn vị thi công, hợp tác xã thiếu vốn đầu tư...

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục khắc phục những khó khăn để tiến tới xây dựng đề án trong những năm tiếp theo đạt kết quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn