Nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tăng giá mạnh

Cập nhật ngày: 19/02/2020 10:21:08

ĐTO - Sau thời gian giảm giá mạnh, nhiều mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang tăng giá trở lại. Nguyên nhân chính là do các tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành và Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.


Thanh long xuất khẩu đang tăng giá mạnh trong những ngày qua

Hiện nay, tại huyện Tháp Mười, mít loại I đang được thương lái thu mua tại vườn có giá dao động từ 19 ngàn – 22 ngàn đồng/kg; thanh long loại I có giá 35 ngàn đồng/kg, tăng gần 30 ngàn đồng/kg so với cách đây 2 tuần.

Anh Nguyễn Văn Dư - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thanh long VietGAP Phong Hòa, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung thông tin: “Sau nhiều ngày giảm giá sâu, hiện nay giá thanh long ruột đỏ tăng mạnh trở lại. Nguyên nhân tăng giá là do hai cửa khẩu quốc tế ở tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn thông quan, trong khi thanh long lại là mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nên giá thanh long có nhiều cải thiện trong vài ngày trở lại đây. Từ đây đến cuối tháng 2, HTX có khoảng 30 tấn thanh long chuẩn bị thu hoạch, xã viên hi vọng tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt góp phần đưa tình hình xuất khẩu hàng hóa nông sản ổn định hơn”.

Ngoài mít và thanh long tăng giá mạnh, các loại nông sản khác như: ổi, mận, ớt, dưa hấu chỉ tăng giá nhẹ do thị trường nội địa đang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Nhằm tạo đầu ra cho nông sản được thuận lợi, từ ngày 17-20/2, Sở Công Thương Đồng Tháp có kế hoạch đến làm việc tại các huyện, thị, thành trong tỉnh về việc rà soát, thống kê nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm xây dựng nguồn thông tin, số liệu chính xác cho việc thực hiện công tác báo cáo và xây dựng kịch bản, phương án tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, thủy sản, hàng hóa gặp khó khăn trong xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, hộ dân rà soát, thống kê hàng hóa nông sản, thủy sản trên địa bàn. Đồng thời đánh giá diện tích, sản lượng, tiêu chuẩn áp dụng sản xuất, thời vụ thu hoạch, kênh tiêu thụ hiện tại, nhu cầu kết nối tiêu thụ... làm cơ sở để ngành công thương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn